Với vai trò là một trong “tứ trấn” thành bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa, Thành cổ Sơn Tây đã trở thành một trong những biểu tượng của thị xã Sơn Tây nói riêng và vùng đất xứ Đoài nói chung.
Tối 12/11, Thị ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Sơn Tây long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 200 Thành cổ Sơn Tây (1822-2022) và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch.
Đây là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị xã Sơn Tây.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Dự buổi Lễ có: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng gồm: Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã biểu dương thị xã Sơn Tây cùng với các địa phương của Hà Nội trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di tích, văn hóa - lịch sử trên địa bàn, triển khai nhiều hoạt động, chương trình phát động du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, từng bước khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Nhấn mạnh theo quy hoạch chung phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây sẽ phát triển theo hướng trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội với chức năng đô thị văn hóa, lịch sử, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây và Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch là một hoạt động ý nghĩa, nằm trong chuỗi hoạt động của “Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài”, “Về Sơn Tây - về miền di sản” và đây sẽ là một trong những tiền đề quan trọng nhằm khơi dậy tiềm lực to lớn cho sự phát triển của thị xã trong thời gian tới.
Với sự phấn khởi, tự hào khi Thành cổ Sơn Tây tròn 200 năm tuổi, để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của thị xã nói chung và giá trị của Thành cổ Sơn Tây nói riêng, thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp ủy, chính quyền cũng như toàn thể nhân dân thị xã hãy tiếp tục chung tay, góp sức với nhà nước gìn giữ, phát huy có hiệu quả giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây cũng như các di sản văn hóa trên địa bàn thị xã và coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển văn hóa - du lịch của Thủ đô trong thời kỳ mới; đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; chú trọng chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị các sở, ngành, các địa phương quan tâm phối hợp cùng thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trên địa bàn Thủ đô và thị xã, đặc biệt khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển kinh tế du lịch và công nghiệp văn hóa; đưa thị xã Sơn Tây sớm trở thành trung tâm phát triển kinh tế du lịch, kinh tế đô thị của vùng xứ Đoài, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội; phấn đấu đến năm 2030, các di tích văn hóa tiêu biểu của Sơn Tây được nâng cấp là “Di tích cấp quốc gia đặc biệt”.
Đồng quan điểm, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, được hoàn thành vào đời vua Minh Mạng thứ 3 triều Nguyễn năm 1822, Thành cổ Sơn Tây vốn là thủ phủ, nơi đóng trụ sở của quan Tổng đốc vùng Tam tuyên (Sơn - Hưng - Tuyên), quản lý cả ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang thời nhà Nguyễn...
Với vai trò là một trong “tứ trấn” thành bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa, là di tích trọng điểm trong chuỗi các di sản nổi tiếng của vùng đất Sơn Tây - xứ Đoài, Thành cổ Sơn Tây đã trở thành một trong những biểu tượng của thị xã Sơn Tây nói riêng và vùng đất xứ Đoài nói chung.
Đến nay, trải qua 200 năm thăng trầm, nhiều hạng mục công trình của Thành cổ vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, đó là: khuôn viên Thành cổ, hào nước, cổng Tây và cổng Nam của Thành…
Bên cạnh những dấu ấn đậm nét về hệ thống các công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể cây xanh trong Thành cổ cũng là điểm nhấn, tạo nên một hệ sinh thái vô cùng độc đáo, một không gian xanh giữa lòng đô thị, tạo nét cổ kính, trầm mặc và lãng mạn của di tích, điểm đến lý tưởng cho du khách hoài cổ, yêu thiên nhiên.Hơn nữa, Thành cổ Sơn Tây còn có vị thế đặc biệt trong khu vực trung tâm di sản với mật độ di tích lịch sử, văn hóa đậm đặc, là điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển du lịch, tạo ra điểm nhấn hội tụ cho văn hóa Xứ Đoài.
Năm tháng trôi qua nhưng thời gian không thể xóa nhòa dấu tích lịch sử. Thành cổ vẫn còn đó uy nghiêm, cổ kính, thể hiện uy thế lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đáng chú ý, với tính chất quan trọng về văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng thành độc đáo, năm 1994, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc cấp quốc gia.Với tư duy lấy văn hóa làm nền tảng, là tài nguyên để phát triển kinh tế xã hội, thời gian vừa qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch, trong đó chú trọng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, văn hóa và trải nghiệm trên cơ sở khai thác, phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa - xã hội, lịch sử truyền thống và nguồn lực con người.
Theo đó, với mục tiêu tạo chuỗi kết nối hoàn chỉnh và xúc tiến, đầu tư phát triển du lịch, Thị xã Sơn Tây đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhân dịp kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây như: Tổ chức trưng bày tranh ảnh, hiện vật giới thiệu về di tích Thành cổ Sơn Tây và nhiều hoạt động văn hóa tại không gian tuyến phố đi bộ; phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch, kết nối tour, tuyến nhằm phát triển du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, tâm linh, ẩm thực… của Sơn Tây và các địa phương; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm tại di tích Thành cổ nhằm giáo dục truyền thống, ý thức bảo tồn di sản, khơi dậy tiềm năng sáng tạo văn hóa trong thế hệ trẻ; phối hợp tổ chức Lễ hội khinh khí cầu quốc tế đầu tiên tại thị xã và khu vực...
Nhân dịp này, thị xã Sơn Tây tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, các đơn vị, hiệp hội, các trung tâm xúc tiến, trung tâm lữ hành hãy tăng cường đầu tư, hợp tác, liên kết, ký kết, giao lưu trao đổi hàng hóa, dịch vụ, phối hợp điều hành đưa đón khách tham quan du lịch đến với Sơn Tây, để ngành kinh tế du lịch, dịch vụ của thị xã ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô./.