Thời sự

Nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân

Lực lượng Cảnh sát biển đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, tập trung tuyên truyền sâu về: Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982… để ngư dân nắm được phạm vi vùng biển Việt Nam, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật và cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Lực lượng Cảnh sát biển tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Thủy sản, tuyên truyền về IUU... cho ngư dân Quảng Bình. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)

(TTXVN) Cùng với nhiệm vụ thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, lực lượng Cảnh sát biển đang chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh ven biển triển khai nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân trên địa bàn.

Tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng

Tại tỉnh Kiên Giang, cuối tháng 9/2022, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tổ chức tuần tra, kiểm soát chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên khu vực biển Việt Nam - Campuchia.

Các lực lượng đã tăng cường phát hiện những phương tiện có dấu hiệu nghi vấn, vi phạm để tiến hành xử lý, đồng thời kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền cho bà con ngư dân làm ăn trên biển nắm vững và tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và các quốc gia trong khu vực.

Quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát biển đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu về: Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982… để ngư dân nắm được phạm vi vùng biển Việt Nam, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật và cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Riêng Luật Cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sát tình hình thực tiễn các nội dung, nhất là Điều 6 của Luật quy định về "Trách nhiệm và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam".

Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam được Nhà nước bảo vệ và giữ bí mật khi có yêu cầu; có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Tại Cà Mau, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh và UBND huyện Trần Văn Thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật chống khai thác IUU cho các chủ phương tiện đánh bắt hải sản trên biển có nguy cơ vi phạm, kết hợp các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn.

Theo đó, lực lượng chức năng đã thông tin tới 51 chủ tàu cá trên địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời về những tác động, ảnh hưởng tới kinh tế, chính trị, quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước láng giềng từ những vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép của ngư dân ta. Đồng thời, tuyên truyền các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống khai thác IUU; quy định pháp luật, hình thức, chế tài của các nước ASEAN về xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm; quy định về lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình và quy trình, thủ tục hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau…

Sau khi được lực lượng chức năng tuyên truyền, 51 chủ tàu cá trên địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời đã ký bản cam kết không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU khi hoạt động khai thác hải sản trên biển, tích cực phối hợp cùng với các lực lượng chức năng góp phần duy trì sự phát triển bền vững kinh tế biển và tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn trên vùng biển, đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.

Tại khu vực biển Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) và biển Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mới đây, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã tổ chức tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định cho ngư dân làm ăn trên biển.

Lực lượng chức năng đã phát tờ rơi các loại, tập trung tuyên truyền về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đánh bắt hải sản trên biển, kết hợp tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam; Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018. Ngoài ra, cán bộ quân y đã tiến hành khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí, tặng cờ Tổ quốc, mì tôm và khẩu trang y tế… cho các ngư dân.

Thực hiện kế hoạch tuyên truyền cho ngư dân làm ăn trên biển, cùng với các đơn vị trong lực lượng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã triển khai toàn diện công tác phòng, chống khai thác IUU với nhiều hình thức. Đơn vị đã thực hiện có hiệu quả việc tổ chức lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá Việt Nam trên khu vực biển được phân công quản lý, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với thực hiện Chương trình công tác dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" và "Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo" trên các đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) và Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), cũng như trên địa bàn 6 tỉnh miền Trung.

Qua đó, nâng cao ý thức của ngư dân trong việc tuân thủ pháp luật khi khai thác thủy sản trên biển, góp phần làm giảm và tiến đến chấm dứt hoàn toàn việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trong năm 2022.

Ngư dân tự giác chấp hành pháp luật

Để nâng cao nhận thức của ngư dân trong quá trình đánh bắt, khai thác hải sản trên biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát biển phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố ven biển và các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam; phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân về việc thực thi chống khai thác IUU, về những điều không được làm để đảm bảo tuân thủ các quy định của IUU, để các ngư dân tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển.

Theo Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, hiện nay, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm pháp luật trên biển và khai thác hải sản bất hợp pháp. Đáng chú ý, song song với việc phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đẩy mạnh việc cung cấp, trao đổi thông tin, duy trì liên lạc, cung cấp tình hình liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển với Tổng cục Thủy sản.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổng hợp 12 bản thông báo tháng về tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài gửi cho Tổng cục Thủy sản và chính quyền địa phương để xử lý, có biện pháp tăng cường quản lý và tuyên truyền, giáo dục đối với các tàu cá vi phạm theo quy định của pháp luật. Về phía Tổng cục Thủy sản, cơ quan này đã cung cấp 6 tài khoản giám sát hành trình tàu cá phục vụ công tác theo dõi, nắm tình hình tàu cá Việt Nam. Hàng ngày, hai bên trao đổi các bản tin cảnh báo về tàu cá có dấu hiệu vi phạm qua hòm thư điện tử./.

Hạnh Quỳnh

Xem thêm