Thời sự

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp đại biểu dự Đại hội 22 Hội đồng Hòa bình Thế giới

Nhà nước, nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, ghi nhớ sự ủng hộ, đoàn kết mạnh mẽ và giúp đỡ quý báu của các tổ chức dân chủ, tiến bộ quốc tế; trong đó có Hội đồng Hòa bình Thế giới và các tổ chức thành viên đối với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Chiều 23/11, tại buổi tiếp 91 đại biểu đến từ 45 quốc gia tham dự Đại hội 22 Hội đồng Hòa bình Thế giới đang diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nhà nước, nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, ghi nhớ sự ủng hộ, đoàn kết mạnh mẽ và giúp đỡ quý báu của các tổ chức dân chủ, tiến bộ quốc tế; trong đó có Hội đồng Hòa bình Thế giới và các tổ chức thành viên đối với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với đoàn đại biểu dự Đại hội 22 Hội đồng Hòa bình thế giới.
Ảnh: TTXVN phát 

Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam và Hội đồng Hòa bình Thế giới có quan hệ gắn bó đặc biệt. Từ năm 1949, Việt Nam đã tham gia sáng lập Hội đồng Hòa bình Thế giới tại Đại hội Nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình tại Paris. Nhà nước, nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, ghi nhớ sự ủng hộ, đoàn kết mạnh mẽ và giúp đỡ quý báu của các tổ chức dân chủ, tiến bộ quốc tế, trong đó có Hội đồng Hòa bình Thế giới và các tổ chức thành viên đối với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Sự ủng hộ của Hội đồng và các quốc gia yêu hòa bình dành cho Việt Nam chính là biểu hiện sinh động cho sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế cao cả, góp phần quan trọng vào những thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 70 năm qua.

Chủ tịch nước đánh giá cao những đóng góp tích cực của Hội đồng Hòa bình Thế giới và các tổ chức thành viên của Hội đồng trong việc ngăn chặn chiến tranh, xây dựng một thế giới hòa bình và công lý; đặc biệt là những hoạt động ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước, giải trừ vũ khí hạt nhân và hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh. Chủ tịch nước trân trọng cảm ơn Hội đồng đã tích cực ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam...

Chủ tịch nước đã đề cập đến diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định và phát triển như: Sự cạnh tranh địa chiến lược của các nước lớn, những tranh chấp biên giới, xung đột chủ quyền lãnh thổ, chủ nghĩa khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo cũng như các nguy cơ đến từ vũ khí hạt nhân, nghèo đói, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Chủ tịch nước cho rằng, ngăn chặn xung đột, chiến tranh, xóa bỏ bất bình đẳng, bất công trong quan hệ quốc tế, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển công bằng và bền vững đã trở thành yêu cầu cấp bách và là nguyện vọng thiết tha của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước mong muốn, tin tưởng với bề dày truyền thống và nhiều hoạt động tích cực có tính lan tỏa rộng rãi, Hội đồng Hòa bình Thế giới sẽ tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình trong việc tập hợp, đoàn kết các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới trong đấu tranh vì một thế giới hòa bình, công lý và phát triển bền vững. Với niềm tin đó, Chủ tịch nước tin tưởng, Đại hội lần thứ 22 của Hội đồng sẽ thành công tốt đẹp với nhiều sáng kiến, chương trình hành động thiết thực thúc đẩy hòa bình và đoàn kết quốc tế.

Là một dân tộc đã phải trải qua nhiều hy sinh, đau thương và mất mát trong các cuộc kháng chiến chống chiến tranh xâm lược, nhân dân Việt Nam hết sức trân quý giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng, đề cao những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế về tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Việt Nam chủ trương là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.

Cùng với đó, Việt Nam luôn thủy chung với bạn bè truyền thống, kiên định đoàn kết, ủng hộ nhân dân các nước đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì một thế giới công bằng và phát triển bền vững.

Chủ tịch nước cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với nhiều thay đổi tích cực, toàn diện và đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế liên tục tăng trưởng, bình quân gần 7%/năm, chính trị - xã hội ổn định, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Việt Nam hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ MDG-2015 và đang nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 của Liên Hợp quốc. Vừa qua, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch COVID-19 và đưa kinh tế phục hồi, tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhất châu Á.

Việt Nam sẽ kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế. Chủ tịch nước mong muốn Hội đồng Hòa bình Thế giới, các tổ chức dân chủ quốc tế, các lực lượng hòa bình, tiến bộ thế giới tiếp tục đồng hành, đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam trên chặng đường mới. Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào các phong trào của Hội đồng cũng như các phong trào nhân dân tiến bộ trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Tại buổi tiếp, lãnh đạo Hội đồng Hòa bình Thế giới và Hội đồng Hòa bình các nước bày tỏ sự kính trọng, tình cảm yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh; ngưỡng mộ truyền thống, thành tựu của đất nước và nhân dân Việt Nam Anh hùng - biểu tượng của hòa bình thế giới. Các đại biểu chúc mừng và đánh giá cao sự chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt của Việt Nam. Đại diện các nước mong muốn hợp tác với Việt Nam để duy trì nền hòa bình thế giới, vì một trật tự thế giới công bằng, công lý, bởi nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình và Việt Nam chiếm vị trí quan trọng trong lòng những người yêu mến hòa bình thế giới./.

Xem thêm