Trong năm 2022, Quảng Ninh phân bổ vốn ngân sách cho chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là 715 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đầu tư hạ tầng là 565 tỷ đồng; ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay giải quyết việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn là 150 tỷ đồng.
(TTXVN) Dự kiến đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh có 98/98 xã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới. 13/13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Như vậy, toàn tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ngay trong năm 2022.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký, đây sẽ là tiền đề tốt tạo điều kiện thuận lợi cho Quảng Ninh triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài toàn bộ số xã, huyện trên địa bàn tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2022, tỉnh còn có 54/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 2/7 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là huyện Đầm Hà, Tiên Yên.
Chương trình nông thôn mới được các cấp, ngành, địa phương của Quảng Ninh tập trung triển khai gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/1/2021 của HĐND tỉnh. Năm 2022, tỉnh tập trung ưu tiên dành nguồn lực lớn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo (Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh).
Trong năm 2022, tỉnh phân bổ vốn ngân sách cho chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là 715 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đầu tư hạ tầng là 565 tỷ đồng; ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay giải quyết việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn là 150 tỷ đồng. Qua đó, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao được mức sống, có vốn vay để phát triển kinh tế, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Mới đây, HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ pháp lý miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và hải đảo của tỉnh từ nay đến hết năm 2025. Theo đó, đồng bào sẽ được trợ giúp pháp lý miễn phí trong các vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh và trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Các hình thức trợ giúp pháp lý gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng. Năm 2023, Quảng Ninh thực hiện việc gắn kết hài hòa phát triển giữa đô thị và nông thôn, công nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ với nông lâm ngư nghiệp, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng để nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao.
Tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững gắn với Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND tỉnh.
Để các chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, hướng đến mục tiêu người dân có chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn, không chỉ thoát nghèo bền vững mà có thể có cuộc sống khá giả hơn, vươn lên làm giàu từ lợi thế tự nhiên của địa phương, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh có chỉ đạo cấp ủy chính quyền các cấp căn cứ thực tiễn địa phương và mục tiêu Đại hội cấp mình đặt ra để xây dựng mục tiêu, giải pháp cho từng năm, từng giai đoạn.
Giai đoạn 2022-2023 có giải pháp phát triển sản xuất, hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; giai đoạn 2023-2024 có giải pháp để các hộ dân không tái nghèo, nâng cao mức thu nhập cho người diện cận nghèo. Trong năm 2023, Quảng Ninh phấn đấu sẽ không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh; phấn đấu nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; 98% người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 99,9% người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh./.