Đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy-học trên môi trường số trở thành hoạt động thiết yếu, hàng ngày với giáo viên, học sinh.
(TTXVN) Ngày 25/11, Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm học đường 4.0 năm 2022 (EDU 4.0 2022) đã chính thức khai mạc, với chủ đề "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo tại Việt Nam".
Đây là diễn đàn mở để các bên tham dự chia sẻ các quan điểm về nhận thức, thực tiễn, cách thức thúc đẩy, tạo đột phá trong hoạt động giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.
Sự kiện do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam và BHub Group phối hợp tổ chức.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo tại Việt Nam luôn được Chính phủ quan tâm. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, giáo dục trở thành 1 trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số. Ngày 25/1/2022, Thủ tướng đã Phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030". Đây là cơ sở, động lực cho việc nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, sản phẩm cho giáo dục phát triển mạnh mẽ, đồng thời tạo cơ chế cho việc ứng dụng rộng rãi những sản phẩm này tại các nhà trường, đơn vị giáo dục đào tạo.
Tiến sỹ Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sau quá trình nhiều năm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo đã có được một số kết quả cơ bản. Cổng thông tin tuyển sinh đã trở nên phổ biến, các cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến đại học đã có website, thư điện tử, văn bản điện tử, sử dụng phần mềm, nền tảng công nghệ để quản lý các cơ sở giáo dục.
Về việc dạy - học - kiểm tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát triển kho học hiệu số dùng chung gồm bài giảng trực tuyến e-learning (gần 5.000 bài giảng), bài dạy trên truyền hình (hơn 2.000 video bài giảng), 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa, trên 7.5000 luận án tiến sỹ, cuộc thi bài giảng điện tử... Nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả kho dữ liệu dùng chung để phục vụ các hoạt động giáo dục, đào tạo.
Ông Tô Hồng Nam khẳng định, đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy-học trên môi trường số trở thành hoạt động thiết yếu, hàng ngày với giáo viên, học sinh. Cùng đó, hoạt động đổi mới phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ, dữ liệu số, nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại một số hạn chế khi triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo như: Hành lang pháp lý, chưa theo kịp tốc độ chuyển đổi số, thiếu cơ chế cho phép thử nghiệm các mô hình, sản phẩm giáo dục mới. Nhận thức vai trò chuyển đổi số và trang bị kỹ năng số chưa đều. Tài nguyên số dung chung, còn chưa phát triển cập nhật, theo kịp yêu cầu thực tế; chưa thu hút được sự tham gia xây dựng, khai thác. Nguồn lực đầu tư chuyển đổi số của các cấp trong ngành giáo dục cũng như các cơ sở giáo dục còn hạn chế, thiếu cơ chế huy động nguồn xã hội hóa.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo hướng đến đổi mới phương thức giáo dục dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiến bộ công nghệ tạo đột phá. Mục tiêu để giúp giáo viên dạy tốt hơn, học trò học dễ hơn, quản lý giáo dục nhẹ nhàng hơn. Chuyển đổi số giáo dục hướng đến việc con người là trung tâm. Lợi ích mang lại cho người học, người dạy và mọi người dân là thước đo để đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.
Ông Lê Trung Nghĩa, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển tài nguyên giáo dục nhấn mạnh đến yếu tố năng lực số (của tổ chức, doanh nghiệp, công dân) là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số thành công. Đối với ngành giáo dục, chuyển đổi số không chỉ là việc chuyển đổi các hoạt động nghiệp vụ giáo dục - đào tạo vào môi trường số, quan trọng hơn là giáo dục để các tổ chức, doanh nghiệp, người dân có đầy đủ các năng lực số, phục vụ cho chương trình chuyển đổi số quốc gia...
Tham dự diễn đàn, các diễn giả cũng đề cập đến việc trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng số đảm đảm bảo chất lượng "đầu ra" của quá trình đào tạo là nguồn nhân lực. Xu hướng thay đổi toàn diện trên thị trường lao động tương lai, với những vị trí công việc mới, lĩnh vực ngành nghề mới đang đặt ra nhiều yêu cầu mới cho việc đào tạo, cũng như tâm thế học tập chủ động, học tập suốt đời của mỗi cá nhân.
Cũng trong chương trình, Tiến sỹ Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam đã trao Giải thưởng Công nghệ Giáo dục 2022 cho các các đơn vị, sản phẩm tiêu biểu như: Hệ thống giải pháp đào tạo trực tuyến TN-Elearning (Trí Nam Group), Phần mềm học ngữ ELSA (Elsa Speak), Chương trình Olympic Tiếng Anh trên Internet (IOE), Nền tảng giáo dục trực tuyến MobiEdu… Đây là giải thưởng chuyên ngành công nghệ giáo dục đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, nhằm ghi nhận, tôn vinh, quảng bá các thương hiệu sản phẩm, giải pháp, nền tảng công nghệ, dịch vụ, nội dung số ứng dụng trong giáo dục - đào tạo tại Việt Nam./.