Giáo dục

Đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, nền giáo dục đã có những bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng; nâng cao hiệu quả dạy và học.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Hương/TTXVN

(TTXVN) Thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội, ngày 24/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Hóa học Việt Nam tổ chức hội thảo: “Việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trong thời gian qua; đồng thời đề xuất biện pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết.

Khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, ngày 04/11/2013, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nền giáo dục nước nhà đã có những bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng; nâng cao hiệu quả dạy và học; đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; góp phần phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của con người Việt Nam. Sau khi Nghị quyết số 23-NQ/TW được ban hành, các địa phương đã làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 29-NQ/TW, thực hiện nghiêm túc và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 29-NQ/TW.

Các địa phương đã ban hành Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động, Quyết định của UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo tỉnh; nhiều chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW đã được thể chế hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (năm 2018) và Luật Giáo dục (năm 2019), tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đổi mới giáo dục đại học.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học được tăng lên; có sự đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá năng lực người học; nâng cao chất lượng đầu ra của từng cấp học, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Mục tiêu phổ cập và chuẩn hóa giáo dục mầm non đề ra cơ bản đã hoàn thành, 100% đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Việc đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, nhất là ở khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn đã được quan tâm. Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo được tăng cường, tổng dự toán chi năm 2022 là trên 330 nghìn tỉ đồng, tăng 15,3% so với năm 2021.

Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông vào năm 2018 và đang tập trung đầu tư bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, tài liệu, sách giao khoa theo quy định để triển khai có hiệu quả Chương trình. Chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín của quốc tế. Tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, học sinh Việt Nam đều đạt thành tích vượt trội. Năm 2022, Việt Nam đã giành được 12 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng. Đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế xếp thứ 2 trên thế giới; Olympic Toán học xếp thứ 4 và Olympic Vật lý thứ 5 trên thế giới….

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung: những kết quả đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; chất lượng giáo dục, đào tạo; việc đào tạo gắn với quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực; trình độ và chất lượng giáo viên; chế độ, chính sách đổi với giáo viên, kể cả với những người làm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo…

Đồng thời, các đại biểu nêu những khó khăn, thuận lợi trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và đề xuất các giải pháp, kiến nghị đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới./.

Lý Thanh Hương

Xem thêm