Thủ tướng bày tỏ sự kính trọng, tri ân sâu sắc tới hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước và biết bao thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai.
(TTXVN) Sáng 19/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu quan trọng.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; các nhà giáo lão thành, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ Việt Nam, đạo đức Việt Nam, văn hóa và con người Việt Nam…
Chủ tịch Hồ Chí Minh - "Nhà giáo dục vĩ đại" khai sinh và đặt nền móng cho nền giáo dục Việt Nam mới luôn quan tâm xây dựng, phát triển nền giáo dục nước nhà. Người chỉ rõ nạn dốt là một trong ba thứ giặc, đồng thời khẳng định: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".
Trong những năm tháng chiến tranh đầy cam go, ác liệt nhưng với tinh thần “Ở đâu có dân, ở đó có lớp học”, “Giải phóng đến đâu, giáo dục phát triển tới đó”, các nhà giáo cách mạng với tâm huyết, trách nhiệm đã vượt biết bao gian nan, hiểm nguy để dựng trường, mở lớp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xác định giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách và đã đạt được những kết quả quan trọng về tư duy, nhận thức và tổ chức thực hiện; về cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng đánh giá cao chất lượng giáo dục phổ thông của nước ta những năm qua, thể hiện ở những kết quả nổi bật như: Học sinh Việt Nam đoạt nhiều giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, tự chủ đại học được thúc đẩy, một số trường của Việt Nam được xếp vào top 500 trường đại học tốt nhất châu Á và top 1.000 trường tốt nhất thế giới. Giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, nhiều năm liền Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có thành tích cao nhất tại cuộc thi Kỹ năng nghề ASEAN.
Cùng với đó, hơn hai năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 nhưng nhiều mô hình, phương pháp dạy học linh hoạt, sáng tạo, nhất là dạy học trực tuyến đã được triển khai với tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, được nhân dân ghi nhận, xã hội đánh giá cao.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng bày tỏ sự kính trọng, tri ân sâu sắc tới hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước và biết bao thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai. Nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh, tâm huyết với nghề; có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: Đại hội XIII của Đảng xác định “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài…”; “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế…”; “Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”.
Để đạt được những mục tiêu này, cần xác định rõ, giáo dục đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp với quy luật khách quan.
Đối với đội ngũ nhà giáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, mỗi thầy, cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm và trách nhiệm vào công việc với phương châm xuyên suốt là lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực; là người truyền cảm hứng, lòng yêu nước; chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, phát huy cao nhất sở trường, năng khiếu của mỗi học sinh.
Đồng thời, Thủ tướng cũng mong muốn, các thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức - luyện tài, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, có cách tiếp cận mới trong dạy và học; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, mang lại luồng sinh khí mới với sức thuyết phục cao trong mỗi bài giảng, qua đó góp phần bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên.
Đối với phụ huynh, Thủ tướng cho rằng, phải luôn tôn trọng, quan tâm, chia sẻ với thầy cô; đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường để cùng dạy dỗ các cháu trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt của xã hội. Đối với các em học sinh, Thủ tướng mong các em hiểu được tình cảm, sự hy sinh, vất vả của các thầy cô để cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn đức, luyện tài, mang lại niềm vui, tự hào, hạnh phúc cho các thầy cô.
Đối với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục - đào tạo, nhất là Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo bằng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Ban hành và triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 theo hướng xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, chuẩn hóa, hiện đại, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, phát triển toàn diện con người Việt Nam.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tiễn, tương xứng với lao động đặc thù của nhà giáo. Chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên giảng dạy các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại… để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến. Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp.
Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên trong thời gian tới. Sớm có giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề thiếu giáo viên. Tuyển dụng đủ số lượng, cơ cấu và đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên. Xây dựng chính sách thu hút người giỏi vào học ngành sư phạm.
“Các bộ, ban, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục dành cho ngành Giáo dục sự quan tâm sâu sắc, sự hỗ trợ hiệu quả, thiết thực hơn nữa. Tập trung và huy động các nguồn lực đầu tư, đảm bảo cơ sở vật chất trường học, điều kiện tốt nhất cho công tác dạy và học, giải quyết tình trạng thiếu trường học, nhất là ở các khu công nghiệp và thành phố lớn”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ tin tưởng, với nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, nhiệt huyết nhiều hơn, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm hơn, đội ngũ các nhà giáo sẽ khắc phục mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu trở thành người thầy giáo tốt, thực sự là hình mẫu cho người học, để nghề dạy học luôn được tôn vinh, là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, văn minh.
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Bộ Giáo dục và Đào tạo coi lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất, quyết định chất lượng giáo dục. Lực lượng nhà giáo là tài sản và vốn quý báu nhất của ngành để thực hiện sứ mệnh cao cả. Phát triển giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy.
Với nhận thức đó, trong chiến lược phát triển của ngành từ nay tới 2030, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang rà soát các chế độ chính sách, các quy định có liên quan tới nhà giáo, nhằm phát huy sức sáng tạo, làm cho nhà giáo gắn bó với nghề hơn, tạo thêm điều kiện để nhà giáo phát triển và thỏa sức sáng tạo, ngày càng nhận được sự tôn trọng của xã hội và phụ huynh, có nhiều chính sách hỗ trợ nhà giáo, biến áp lực thành động lực đổi mới và phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Luật Nhà giáo đang được định hình và thiết kế là một bước quan trọng để hiện thực hóa chủ trương phát triển đội ngũ nhà giáo của ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang phối hợp với các bộ, ngành địa phương từng bước cải thiện điều kiện làm việc cho nhà giáo, xây dựng môi trường văn hóa học đường, môi trường sư phạm lành mạnh, dân chủ để nhà giáo thực sự thấy hạnh phúc trong môi trường làm việc của mình.
Với các thầy cô giáo, Bộ trưởng nhắn gửi: Không có sự vinh quang nào là tự nhiên tới. Không có vinh quang nào đạt được một cách dễ dàng. Đi cùng với sự cao quý và vinh quang của nghề nghiệp là sự khó nhọc, là trách nhiệm nặng nề, là thách thức và áp lực. Nhưng áp lực cũng chính là động lực để đổi mới và phát triển. Vượt qua khó khăn, hoàn thành được sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng, ngành giáo dục và nhà giáo sẽ càng trưởng thành và sự vinh quang càng lớn lao hơn. Sự thay đổi thái độ của xã hội đối với nhà giáo theo hướng tốt đẹp hơn hoàn toàn phụ thuộc vào nhà giáo chúng ta./.