Mỗi nhà giáo được vinh danh đều có những hoàn cảnh riêng trong cuộc sống và trong công tác nhưng tất cả đều có điểm chung là những nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc, luôn say mê, tận tụy với nghề, hết lòng với học trò.
(TTXVN) Chiều 18/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu trên cả nước, nhân dịp kỷ niệm 40 Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022).
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận sự đóng góp và biểu dương các nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho các nhà giáo ở các cấp học, bậc học; các nhà giáo đại diện các vùng miền trong toàn quốc. Mỗi nhà giáo được vinh danh đều có những hoàn cảnh riêng trong cuộc sống và trong công tác nhưng tất cả đều có điểm chung là những nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc, luôn say mê, tận tụy với nghề, hết lòng với học trò.
Bộ trưởng chia sẻ: Trong 3 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống, lĩnh vực giáo dục và đào tạo chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Với tinh thần ngừng tới lớp - không ngừng học tập, toàn ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, ra sức cố gắng để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ và nhân viên toàn ngành đã nỗ lực không mệt mỏi để thay đổi và thích ứng. Sự hy sinh, tận tâm, trách nhiệm của các thầy, các cô đã góp phần hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành, qua đó củng cố thêm sức mạnh, niềm tin để toàn ngành tiếp tục nỗ lực, vượt khó trên cả chặng đường dài đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà.
Nhắn nhủ tới các thầy cô giáo trên cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Trước yêu cầu mới của đất nước, của thời đại, khi đặt mình trong bối cảnh của giáo dục toàn thế giới, chúng ta thấy còn nhiều việc phải phấn đấu, nhiều việc phải nỗ lực, cố gắng... Nhưng chính chúng ta sẽ là những người làm thay đổi nền giáo dục của đất nước. Mỗi thầy cô đều có sứ mạng tiên phong với tương lai giáo dục đất nước. Không thể chỉ ngồi than vãn về sự tụt hậu so với thế giới, chờ thời cơ đến mà phải chủ động đón trước thời cơ và tìm giải pháp để hành động.
Bộ trưởng cũng cho rằng: Không ai có thể thay thế người thầy trong việc chăm lo, nuôi dưỡng ước mơ và hình thành các giá trị cơ bản cho thế hệ tương lai. Chúng ta không hướng người học chỉ tập trung vào kiến thức học mà đồng thời phải dạy cho học trò có trái tim rung động trước cuộc đời, có tâm hồn thanh cao và rộng lượng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội… Chúng ta phải làm cho mọi người thấy rằng, đồng hành với tiến trình phát triển là hạnh phúc của tất cả chúng ta. Nhưng hành trình này là núi cao, vực sâu, đầy gian nan, vất vả, không có con đường nhung lụa, dễ dàng phía trước. Giáo dục là tạo động lực, là định hướng cách tư duy và hướng hành động. Giáo dục tạo ra sự thay đổi, sự tiến bộ, chinh phục cái mới và là bà đỡ cho những ý tưởng mới. Chúng ta cần phải là người dẫn đường, đây là trọng trách lớn, là sứ mệnh của nhà giáo.
Thay mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu tham dự buổi lễ, thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình, chia sẻ: Chúng tôi mong muốn toàn xã hội dành niềm tin lớn hơn cho ngành Giáo dục. Chúng tôi hiểu rằng một số tiêu cực, hạn chế của ngành trong những năm vừa qua đã làm không ít người thất vọng. Tuy nhiên, bên cạnh những tiêu cực, hạn chế ấy, đa số các giáo viên trên khắp cả nước đều đã nỗ lực vượt khó vươn lên. Đừng đặt điểm nhìn vào chỉ vài ba vụ việc, mỗi người hãy nhìn ra xa hơn để thấy bao thầy cô đã vượt núi băng đèo, cõng chữ lên non, vượt biển khơi đến với những hòn đảo lớn nhỏ để gieo mầm tri thức. Ngay trong những lớp học ở các thành phố lớn, mỗi thầy cô hàng ngày đang chăm sóc, giáo dục một lớp học với sĩ số lên tới 40 - 50 học sinh… Hãy nhìn nhận và đánh giá về ngành Giáo dục công bằng, toàn diện hơn để thấu hiểu những việc chúng tôi đã và đang làm. Niềm tin, sự thấu hiểu, đồng cảm của toàn xã hội chính là điều chúng tôi cần nhất trên con đường đổi mới đầy chông gai, khó khăn, thử thách.
Thay mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu tham dự buổi lễ, thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình, chia sẻ: Chúng tôi mong muốn toàn xã hội dành niềm tin lớn hơn cho ngành Giáo dục. Chúng tôi hiểu rằng một số tiêu cực, hạn chế của ngành trong những năm vừa qua đã làm không ít người thất vọng. Tuy nhiên, bên cạnh những tiêu cực, hạn chế ấy, đa số các giáo viên trên khắp cả nước đều đã nỗ lực vượt khó vươn lên. Đừng đặt điểm nhìn vào chỉ vài ba vụ việc, mỗi người hãy nhìn ra xa hơn để thấy bao thầy cô đã vượt núi băng đèo, cõng chữ lên non, vượt biển khơi đến với những hòn đảo lớn nhỏ để gieo mầm tri thức.
Ngay trong những lớp học ở các thành phố lớn, mỗi thầy cô hàng ngày đang chăm sóc, giáo dục một lớp học với sĩ số lên tới 40 - 50 học sinh… Hãy nhìn nhận và đánh giá về ngành Giáo dục công bằng, toàn diện hơn để thấu hiểu những việc chúng tôi đã và đang làm. Niềm tin, sự thấu hiểu, đồng cảm của toàn xã hội chính là điều chúng tôi cần nhất trên con đường đổi mới đầy chông gai, khó khăn, thử thách.
Thầy Nguyễn Mạnh Hùng cũng mong các phụ huynh sẽ không còn tư tưởng “trăm sự nhờ thầy” để rồi bỏ qua vai trò của gia đình trong việc hình thành phẩm chất, năng lực cho con cái. Nhà trường dạy các con nói lời hay, làm việc tốt, nhưng bài học ấy chỉ thấm thía khi ra khỏi cổng trường, các con nhìn thấy những người quanh mình cũng đang sống có trách nhiệm, làm việc tốt, nói điều hay. Sự hình thành phẩm chất và năng lực của một học sinh chính là kết quả nỗ lực của giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội.
Đối với các chính sách dành cho nhà giáo, thầy Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn Nhà nước sẽ có những chính sách thiết thực hơn để nâng cao đời sống giáo viên, mức lương thấp không đủ trang trải cuộc sống chính là lí do khiến nhiều giáo viên phải bỏ nghề, rẽ ngang sang hướng khác, không đi hết được con đường đã chọn. Không kịp thời có những chính sách hỗ trợ cho giáo viên thì số lượng giáo viên bỏ việc những năm tới chắc chắn sẽ còn gia tăng. Sự nghiệp đổi mới giáo dục sẽ đi về đâu nếu số lượng giáo viên đứng lớp không đủ ở các nhà trường?
Bên cạnh đó, các cấp quản lý cần tiếp tục có những giải pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Các chương trình bồi dưỡng cần hiệu quả, thiết thực, giải quyết kịp thời những khó khăn mà thầy cô giáo dạy chương trình mới đang gặp phải. Đồng thời, trong công tác quản lý không nên có sự gò ép mà nên tạo hành lang cho các nhà giáo có thể thỏa sức sáng tạo.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng Bằng khen cho 400 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo./.