Phấn đấu đến năm 2025 tất cả 63 trường chính trị cả nước đều đạt chuẩn mức độ I, tiến tới hoàn thành đạt chuẩn mức II vào năm 2030.
Ngày 16/11, Trường Chính trị tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn mức độ I theo Quy định số 11 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, trở thành trường chính trị đầu tiên trong cả nước đón nhận danh hiệu này.
Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.
Ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn. Trải qua quá trình phấn đấu, thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương và của tỉnh về chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị, tháng 9/2022, Trường Chính trị tỉnh Lào Cai đã được Hội đồng cấp tỉnh đánh giá đạt chuẩn mức I. Đến đầu tháng 11/2022, Trường đã được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh công nhận đạt các tiêu chí chuẩn mức I đầu tiên trong hệ thống trường chính trị cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng và biểu dương những kết quả Trường Chính trị tỉnh Lào Cai đạt được trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống trường chính trị đạt chuẩn nhằm thực hiện sự chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở các địa phương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Trường Chính trị Lào Cai sớm về đích, đạt chuẩn mức độ I là minh chứng sinh động, phản ánh những thành tựu phát triển toàn diện và nổi bật của nhà trường, dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư trung ương Đảng khóa XIII.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh lưu ý, thời gian tới Trường Chính trị Lào Cai cần đưa những tiêu chí đã được công nhận trở thành thực tế hành động, thấm sâu vào môi trường văn hóa, giảng dạy, học tập của nhà trường. Trường rà soát những tiêu chí còn thiếu, xây dựng lộ trình, kế hoạch, bố trí nguồn lực phù hợp để phấn đấu thực hiện trường đạt chuẩn mức độ II vào năm 2026 như Đề án trường đã đề ra.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng đề nghị các trường chính trị trong cả nước chủ động tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm xây dựng trường chuẩn, xây dựng các tiêu chí, chuẩn bị hồ sơ..., phấn đấu đến năm 2025 tất cả 63 trường chính trị cả nước đều đạt chuẩn mức độ I, tiến tới hoàn thành đạt chuẩn mức II vào năm 2030.
Dưới sự chỉ đạo sát sao về chuyên môn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Lào Cai đã thực hiện nghiêm túc với phương châm lấy chất lượng và hiệu quả làm mục tiêu chính trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Trường đã cử nhiều lượt cán bộ, giảng viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ. Hiện nay, Trường Chính trị tỉnh Lào Cai có 46 cán bộ, viên chức, trong đó có 01 tiến sĩ, 02 nghiên cứu sinh, 31 thạc sĩ; 02 giảng viên cao cấp và tương đương, 20 giảng viên chính và tương đương; 29 cán bộ, giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị và tương đương. Đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức, kỹ năng, am hiểu thực tiễn, đáp ứng tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của nhà trường.
Trong 5 năm (2018-10/2022), trường đã mở được 122 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 7.862 học viên, trong đó riêng Trung cấp Lý luận chính trị là 64 lớp với 4.221 học viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng của trường đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, bảo đảm đúng phương châm "lấy người học làm trung tâm", "lý luận gắn với thực tiễn"; thực hiện đúng, đủ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai giao hằng năm. Trường tuân thủ nghiêm quy chế đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chương trình giảng dạy; quản lý học viên và thực hiện nghiêm quy trình đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt trong việc lập và quản lý hồ sơ mỗi lớp... Nhờ đó, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương./.