Phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục.
(TTXVN) Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), chiều 19/11, tại Trụ sở Chinh phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên trên toàn quốc.
Dự cuộc gặp mặt có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và 60 nhà giáo tiêu biểu từ khắp các vùng, miền trên toàn quốc.
Báo cáo với Thủ tướng tại cuộc gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Gáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, giáo dục là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội nhưng người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cao cả này là các thầy giáo, cô giáo. Chính vì thế, người thầy luôn có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh, gửi gắm.
Thời gian qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không ngừng lớn mạnh, chất lượng không ngừng được nâng cao. Nhiều thầy cô giáo không ngại khó khăn, thậm chí hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, hằng ngày bám bản, bám làng để gieo con chữ cho các học trò vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Các thầy cô với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết đã tích cực, chủ động, tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới sáng tạo trong dạy học, góp phần quan trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo cần tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, các thầy giáo, cô giáo bày tỏ niềm tự hào khi được mang sứ mệnh “trồng người” và tỏ rõ quyết tâm nỗ lực phấn đấu giữ vững bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề; luôn giữ vững đạo đức, tác phong nhà giáo và vì học sinh, học viên thân yêu.
Các thầy giáo, cô giáo đem đến buổi gặp mặt nhiều câu chuyện không chỉ thắm đẫm tình thầy trò mà còn thể hiện tình người cao cả; cho thấy các thầy giáo, cô giáo không chỉ là biểu tượng của trí tuệ mà còn là cốt cách.
Bên cạnh đó, các thầy giáo, cô giáo cũng chia sẻ về những khó khăn mà bản thân, đồng nghiệp đang trải qua. Theo đó, đời sống còn khó khăn; việc thừa thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết triệt để; môi trường giáo dục đứng trước nhiều tác động, gây áp lực cho giáo viên, nhất là trong ứng xử.
Đặc biệt, nhiều thầy cô tỏ rõ nỗi trăn trở đối với nền giáo dục nước nhà, nhất là trong thời đại khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão, đúng với chủ trương của Đảng “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và đào tạo nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài. Quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực. Muốn phát triển con người phải dựa vào giáo dục và đào tạo. Giáo dục là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hệ thống giáo dục và đào tạo muốn được vận hành tốt, có hiệu quả cao thì thầy cô giáo là những người đóng vai trò quyết định.
Thủ tướng nhấn mạnh, qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo đã trở thành tài sản quý báu của dân tộc, của mỗi con người Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Danh nhân văn hoá thế giới, “Người thầy giáo vĩ đại” luôn đề cao và quan tâm đến giáo dục. Người từng nói: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết…”; “…Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà…”.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục - đào tạo đã được ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả, đóng góp hết sức quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gây dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta ngày nay.
Theo Thủ tướng, nếu như năm 1945, hơn 95% dân số không biết chữ thì ngày nay, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá là một trong hai quốc gia (Việt Nam và Trung Quốc) có sự phát triển thực sự ấn tượng và tiên phong trong đổi mới giáo dục đào tạo. Tư duy, nhận thức về giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên ở tất cả các cấp học, bậc học. Giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng đào tạo.
Thủ tướng bày tỏ và khẳng định Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thách thức của ngành Giáo dục - Đào tạo nói chung và các thầy cô nói riêng, đặc biệt là những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, những tác động của khó khăn kinh tế trên thế giới ảnh hưởng Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, tình hình thế giới có nhiều khó khăn, phức tạp. Mặc dù nền tảng kinh tế vĩ mô của chúng ta cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm…, tuy nhiên có rất nhiều khó khăn, thách thức mà chúng ta phải vượt qua, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc, biến nguy thành cơ. “Lịch sử chúng ta đã chứng minh càng khó khăn, phức tạp, càng đoàn kết, nỗ lực vượt qua; tin tưởng đội ngũ giáo viên sẽ đồng lòng, nỗ lực vượt mọi khó khăn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, giáo dục và đào tạo là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Gia đình, nhà trường và xã hội phải được coi là "tam giác", trụ cột, phải được phối hợp chặt chẽ. Do đó, cần tiếp tục quán triệt phương châm “nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực”; chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh; giúp học sinh hình thành nhân cách về tình yêu thương; phát triển giáo dục - đào tạo phải bám sát nguyên tắc chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, phong trào khởi nghiệp; tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục giành cho giáo dục sự quan tâm và đầu tư, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn nữa; tập trung nguồn lực hiện có và tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học, nhất là bếp ăn, y tế học đường, hệ thống nhà vệ sinh; có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng và chính sách cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo.
“Điều này đòi hỏi chúng ta phải chính sách phù hợp để bảo đảm yêu cầu tối thiểu, cân bằng với các ngành nghề khác, khuyến khích người tài vào học ngành sư phạm”, Thủ tướng nhắc nhở.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các nhà giáo giảng dạy các ngành nghề nặng nhọc, độc hại... Chính phủ sẽ có giải pháp, đồng thời mong các ngành, địa phương cơ cấu lại đội ngũ giáo viên.
“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo. Thầy cô chính là động lực, trái tim của hệ thống giáo dục”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ; đồng thời nhắc lại lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu...”.
Không quên công tác bảo vệ sức khỏe cho học sinh, Thủ tướng mong các thầy cô tham gia công tác vận động các em học sinh tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19; Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ làm việc này, tiêm chủng cho các cháu an toàn, khoa học, hiệu quả, bảo đảm các em đến trường được an toàn, yên tâm học tập.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có kế hoạch nhân rộng điển hình tiên tiến như 60 tấm gương nhà giáo tiêu biểu tại cuộc gặp; các sáng kiến, cách làm hay, phương pháp phù hợp, hiệu quả của các thầy cô giáo tâm huyết, sáng tạo, truyền cảm hứng trong dạy học, mang lại hiệu quả thiết thực trong sự nghiệp giáo dục, tạo ra phong trào dạy tốt, học tốt, phù hợp tình hình, điều kiện đất nước ta.
Thủ tướng nhấn mạnh, 60 tấm gương thầy cô tiêu biểu tại buổi gặp mặt là hạt nhân để nhân rộng, lan toả cách làm hay, những điều tích cực ở khắp mọi miền Tổ quốc, tạo ra sức mạnh tổng hợp, xung lực mới cho sự phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đất nước phát triển phồn vinh, thịnh vượng.
Thủ tướng cũng mong các thầy cô tiếp tục ứng dụng công nghệ cao vào giảng dạy; trang bị các kiến thức liên quan kỹ năng sống, kỹ năng nghề, các hoạt động thích ứng những điều kiện không bình thường; cần tổng kết những vấn đề này để việc này được đi vào bài bản.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng mong các thầy cô tất cả vì sự nghiệp giáo dục, vì học sinh thân yêu, kề vai sát cánh để đưa ngành Giáo dục - Đào tạo trong điều kiện khó khăn, trong nền kinh tế đang chuyển đổi, phát triển ngang tầm vị thế, vai trò đất nước, yêu cầu phát triển đất nước hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc./.