Hội thảo quốc tế với chủ đề "Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh" lần thứ năm là diễn đàn tranh luận về các vấn đề đương đại của kinh tế, quản trị, kinh doanh, nhằm hỗ trợ cho các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển bền vững toàn cầu.
(TTXVN) Ngày 25/11, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề "Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh" lần thứ năm.
Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Phạm Hồng Chương,cho biết: Hội thảo là một trong những sự kiện quốc tế quan trọng nhất của nhà trường, được tổ chức hàng năm, nhằm tạo ra một diễn đàn cho các học giả trong nước và quốc tế từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau thuộc các ngành Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh có cơ hội để trao đổi và trình bày các công trình nghiên cứu của mình.
Hội thảo là diễn đàn tranh luận về các vấn đề đương đại của kinh tế, quản trị, kinh doanh, nhằm hỗ trợ cho các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển bền vững toàn cầu. Đồng thời, gia tăng cơ hội hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học trong khu vực và quốc tế.
Ông Phạm Hồng Chương chia sẻ: Nền kinh tế toàn cầu đã trải qua những thách thức, khó khăn to lớn chưa từng có do đại dịch COVID-19 trong hai năm qua. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy trong thời kỳ hậu đại dịch, có thể đe dọa đến sự tăng trưởng, phát triển bền vững. Vì vậy, các vấn đề trong bối cảnh hậu COVID-19 là chủ đề chính của hội thảo năm nay, thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Với hơn 130 bài nghiên cứu được gửi về, Ban Tổ chức đã lựa chọn khoảng 80 bài để đăng trong kỷ yếu hội thảo. Trong hai ngày diễn ra (25-26/11), Hội thảo có 17 phiên thảo luận song song về các chủ đề chuyên sâu như tài chính kế toán, quản trị kinh doanh, phát triển kinh tế, kinh tế vĩ mô, marketing, khoa học và công nghệ, kinh tế vi mô, quản lý giáo dục và nguồn nhân lực, kinh doanh quốc tế… cùng với một số chủ đề khác. Các phiên thảo luận do các chuyên gia kinh tế Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chủ trì và các diễn giả khách mời từ các quốc gia khác trên thế giới như Anh, Úc, Bỉ, Ba Lan. Thái Lan, Pakistan, Brazil, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Philipin, Pháp, Nam Phi, Lào…
Các diễn giả chính tại hội thảo gồm Giáo sư Robert Breunig, Đại học Quốc gia Australia trình bày về chính sách tài khóa COVID-19 tại Australia và bài học cho Việt Nam. Giáo sư Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP toàn cầu đề cập đến các nút thắt thể chế trong tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam. Giáo sư Alex Vanderstraeten, Đại học Ghent, Bỉ thảo luận về quản lý nguồn nhân lực, tính bền vững trong bối cảnh hậu đại dịch. Phó Giáo sư Juthathip Jongwanich - Đại học Thammasat, Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược xuất bản các ấn phẩm quốc tế chất lượng cao.
Theo Giáo sư Jonathan Pincus - chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về phát triển trong những thập kỷ tới. Biến đổi khí hậu có thể khiến khoảng ba triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long phải di dời và phá hủy hàng triệu ha đất canh tác. Việt Nam cần hàng tỷ đô la đầu tư vào năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và nông nghiệp. Bên cạnh đó, căng thẳng chính trị có thể dẫn đến tăng trưởng thương mại quốc tế chậm hơn, điều này sẽ có tác động nghiêm trọng đến cán cân thanh toán và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Khi thu nhập tăng lên, các công ty nước ngoài sẽ chuyển các cơ sở lắp ráp sang các nước rẻ hơn.
Giáo sư Jonathan Pincus nêu vấn đề đầu tư công manh mún đã làm giảm hiệu quả và tác động của nó, chuyển các nguồn lực công khan hiếm vào các dự án nhỏ và triển khai kém, đồng thời, làm chậm trễ các dự án quan trọng quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, cần thiết lập một hệ thống phân cấp thẩm quyền rõ ràng hơn, bao gồm các mục tiêu cụ thể đối với các ngành, địa phương, gắn với các chiến lược và kế hoạch quốc gia. Việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, đặc biệt là trong các ngành xuất khẩu là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng.
Chuyên gia kinh tế của UNDP kỳ vọng, những năm tới, Việt Nam sẽ có nhiều đổi mới về thể chế khi các địa phương, khu vực, ngành, lĩnh vực phải đối mặt với những thay đổi sâu sắc trong bối cảnh thế giới, môi trường tự nhiên và bên ngoài./.