Chính phủ hành động

Làm chủ nền tảng số, thu hút nhân tài trong tiến trình chuyển đổi số

Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 4/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. 
(Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 4/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên), Bộ trưởng cho biết, nền tảng số là giải pháp đột phá xây dựng chuyển đổi số quốc gia. Nền tảng số trong không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực, nếu không làm chủ các nền tảng số của Việt Nam, người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài sẽ dẫn đến dữ liệu bị thu thập. Dữ liệu số được coi là tài nguyên của Việt Nam, vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm phát triển các nền tảng số.

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố ở mức quốc gia 52 nền tảng số phải xây dựng xong. Đến nay, các nền tảng này đã được xây dựng và đưa vào vận hành. Theo Bộ trưởng, có một tín hiệu đáng mừng là trong năm 2022, các nền tảng số của Việt Nam đã có tới hàng trăm triệu lượt cài đặt.

Nhân tài là yếu tố quyết định trong làm chủ khoa học công nghệ

Về vấn đề “chảy máu chất xám” nhân tài công nghệ thông tin được đại biểu Lý Văn Huấn nêu, Bộ trưởng cho biết, rất nhiều quốc gia coi nhân tài là nguồn lực cơ bản, là yếu tố quyết định trong việc làm chủ cũng như ứng dụng khoa học công nghệ.

Theo Bộ trưởng, việc thu hút, trọng dụng và quản lý nhân tài có câu chuyện của thị trường. Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao trả mức lương tương đương với các công ty nước ngoài; cũng đã bắt đầu xuất hiện những người Việt đang làm cho công ty nước ngoài trở về nước làm việc và cũng có cả người nước ngoài đang làm việc cho các công ty công nghệ của Việt Nam.

“Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận cao không, có những việc để tạo ra giá trị gia tăng cao hay không để có thể thuê được nhân tài?”, Bộ trưởng cho hay, ngoài câu chuyện thị trường, Đảng và Nhà nước cũng đã có những chính sách để thu hút nguồn nhân lực. Thời gian tới, cần đẩy mạnh các chính sách thu hút nhân tài, bởi không có đủ nhân tài, đất nước rất khó phát triển.   

Cũng trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện cả nước có xấp xỉ 1,2 triệu lao động, nhưng nhân lực có trình độ từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550.000 người.

Để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, Bộ trưởng cho rằng, phương pháp đào tạo truyền thống đã đạt đến mức giới hạn, cần phát triển đại học số. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép về thí điểm đại học số.

“Nếu đại học số thí điểm sớm sẽ là một trong những giải pháp để nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số”, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết thêm, một trong những giải pháp mang tính căn bản đột phá mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện là xây dựng các nền tảng đào tạo trực tuyến số lượng lớn đến các đối tượng khác nhau, trong đó có nền tảng “One Touch”. Nền tảng này đã đưa vào vận hành được 6 tháng và có 10 triệu người Việt Nam lên đó học tập, trong đó, có phần dành riêng cho cán bộ, công chức tự học, tự đánh giá và hệ thống sẽ tự cấp chứng chỉ.

Tổ chức đánh giá hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) về Chương trình "Sóng và máy tính cho em", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Chương trình huy động ủng hộ hơn 1 triệu máy tính, trong đó có 600.000 máy tính bảng là từ nguồn lực xã hội hóa. Hiện nay, 500.000 máy tính bằng nguồn lực xã hội hóa đã được chuyển đến học sinh.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đánh giá hiệu quả của các máy tính đưa đến học sinh và đang làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thống nhất thời điểm cung ứng số máy tính còn lại sau khi thực hiện chính thức chương trình học trực tuyến trong lúc không còn COVID-19.

Tranh luận tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng là chưa thỏa đáng. Bộ trưởng chưa trả lời rõ về việc chậm trễ thi hành một số nội dung liên quan đến Chương trình "Sóng và máy tính cho em", cũng như chương trình mục tiêu quốc gia. Trong bối cảnh mới, Chương trình cần được tiếp cận lại, không chỉ phục vụ cho vấn đề học trong điều kiện dịch bệnh, mà còn tạo cơ hội học tập và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và xã hội số.

Đại biểu nhấn mạnh, cần làm rõ trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này. Nội dung này cần được xử lý để đáp ứng chuyển đổi số và xã hội số, kinh tế số trong điều kiện mới, đặc biệt là áp dụng cho vùng miền núi, dân tộc để hội nhập, giảm khoảng cách tốt nhất giữa các vùng địa hình.

Trả lời tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đính chính, mục tiêu của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là huy động đóng góp 1 triệu máy tính, trong đó 600.000 máy do các doanh nghiệp và cá nhân tài trợ, 400.000 máy sử dụng quỹ viễn thông công ích, tương đương 1.000 tỷ đồng.

“Hai việc này không chậm. Hiện nay 400.000 máy đang đồng bộ về chương trình học trực tuyến sau dịch COVID-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo", Bộ trưởng nói.

Đầu năm 2023 sẽ tiến hành đấu giá tần số

Về vấn đề vùng lõm sóng 3G, 4G được đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt kế hoạch hết năm nay hoặc đến quý 1/2023 sẽ giải quyết. Tuy nhiên, để phát hiện những điểm lõm về sóng, theo Bộ trưởng, phải do chính quyền địa phương báo cáo về Bộ, từ đó Bộ tổng hợp và chỉ đạo thực hiện.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) về chậm đấu giá tần số vô tuyến điện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện đã hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đấu giá (theo Nghị định 88/2021/NĐ-CP) để thực hiện các tiến trình đấu giá tần số cho 4G và sắp tới sẽ là tần số 5G.

Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai đấu giá tần số. Hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để sớm tổ chức đấu giá và dự kiến sẽ triển khai vào đầu năm 2023./.

Việt Đức

Xem thêm