Chính phủ hành động

Họp báo Chính phủ: Ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng tốt để phát triển thị trường chứng khoán

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ là nền tảng tốt để phát triển thị trường chứng khoán.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí.
(Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chiều tối 29/10, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng của năm 2022, cùng những vấn đề mà dư luận xã hội và báo chí quan tâm.

Ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng tốt để phát triển thị trường chứng khoán

Tại họp báo, trả lời câu hỏi về nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán tụt điểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, do tình hình quốc tế cũng như kinh tế một số khu vực có sự thay đổi mạnh mẽ sau khi kiểm soát đại dịch COVID-19, lạm phát của những nền kinh tế này ở mức rất cao. Các chính sách tiền tệ và tài khóa có sự thay đổi mạnh mẽ tác động đến kinh tế khu vực này khiến tăng trưởng của các nước đều được dự báo thấp hơn so với đầu năm. Đồng thời, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình quốc tế; đặc biệt, nguồn cung năng lượng xăng dầu tác động đến nhiều nước trong đó, có Việt Nam. Thị trường chứng khoán thế giới cũng giảm sâu, tác động liên thông đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về các yếu tố trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, những điều chỉnh về chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, quản lý chặt chẽ room tín dụng đã ảnh hưởng tới dòng tiền. Cụ thể, dòng tiền được hướng đến sản xuất kinh doanh sau khi kinh tế phục hồi khiến dòng tiền vào thị trường chứng khoán bị giảm đi. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ là nền tảng tốt để phát triển thị trường chứng khoán.

Về giải pháp, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay sẽ giữ thị trường vận hành ổn định, an toàn, tăng tính minh bạch thị trường thông qua việc yêu cầu doanh nghiệp, thành viên thị trường thực hiện nghiêm công bố thông tin. Đồng thời, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra để giám sát thị trường, công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư trong giao dịch để kiểm soát thông tin từ giao dịch, công bố thông tin… Nếu vi phạm đến mức xử lý hình sự sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xem xét xử lý để đảm bảo tính minh bạch của thị trường. Đặc biệt, tăng cường thông tin chính thống của cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo thông tin xấu, độc không vào thị trường; giám sát thông tin, chống tin đồn thất thiệt, tung tin để trục lợi.  Về lâu dài, Bộ Tài chính có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, xem xét những nội dung bất cập, giúp cho thị trường thích ứng, đáp ứng yêu cầu đặt ra; đồng thời, tái cấu trúc thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo năng lực của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ…

Có khối lượng mới có thể giải ngân vốn đầu tư công

Lý giải về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, suốt thời gian qua, trong các phiên họp báo hằng tháng, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công luôn nhận được sự quan tâm của các nhà báo, của cộng đồng xã hội và đặc biệt tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, về mặt số liệu, trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/10/2022, giải ngân của cả nước ước đạt theo số chẵn khoảng 298 nghìn tỷ đồng; nhiều hơn khoảng 40,3 nghìn tỷ, tăng cao hơn 16% so với năm ngoái. Điều này để thấy được số lượng vốn giải ngân ra nền kinh tế có nhiều hơn. Tuy nhiên, số tỉ lệ phần trăm thấp hơn so với năm 2021 là do thêm 38 nghìn tỷ giao bổ sung dự toán năm 2022 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Thủ tướng đã giao trong đầu tháng 10. Nếu không tính số bổ sung, việc giải ngân vốn đạt 54,94% gần bằng so với năm 2021, cùng kỳ đạt 55,8%.

Nói về các giải pháp từ nay đến cuối năm, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, chỉ còn 3 tháng để thúc đẩy giải ngân. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo với Chính phủ kiến nghị mấy nhóm giải pháp tích cực hơn, thực hiện quyết liệt hơn trong những tháng cuối năm để có thể đạt được con số giải ngân cao vào thời điểm 31/1/2023.

Đầu tiên là phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ, điển hình là các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022, Chỉ thị số 19/CT-TTg, qua các lần họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, cũng như thông qua các tổ công tác của Chính phủ đi làm việc với các bộ ngành, địa phương.

Nhiệm vụ nền tảng quan trọng nhất là phải đôn đốc các chủ đầu tư cũng như các Ban Quản lý dự án, nhà thầu phải thực hiện để có khối lượng mới giải ngân được vì không thể giải ngân vốn mà không có khối lượng đi kèm. Do vậy, công tác thực hiện từ nay đến cuối năm rất quan trọng, làm sao có được khối lượng tương đối lớn để chúng ta có thể giải ngân được số tiền còn lại của năm 2022.

Một điều rất quan trọng là các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo, điều hành quyết liệt các đối tượng như chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu để đạt được kết quả thực hiện tốt; đồng thời, chuẩn bị trước các thủ tục hành chính để giải ngân vốn đầu tư công khi có khối lượng, tránh tình trạng dồn dập vào thời điểm cuối tháng 12/2022 hoặc cuối tháng 1/2023./.


Đỗ Bình

Xem thêm