Tạo đột phá từ con đường cải cách: Bài 5 – Giám sát để giảm chi phí không chính thức
Chi phí không chính thức trong các thủ tục hành chính về đất đai cũng có xu hướng tăng lên, cho thấy cần phải đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến và chia sẻ cơ sở dữ liệu về đất đai.
TTXVN - Cho dù đã có những nỗ lực trong cải cách quy định kinh doanh, cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, song vẫn còn những hạn chế, những lời phàn nàn từ phía người dân, doanh nghiệp.
Còn phiền hà, sách nhiễu
Kết quả đo lường sự hài lòng của chi phí tuân thủ đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (Chỉ số SIPAS 2021) được Bộ Nội vụ công bố mới đây cho thấy, 3,26% người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công; 0,45% phản ánh bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu, 0,14% phản ánh phải nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí trong quá trình giao dịch dịch vụ công.
Theo ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), 46/63 tỉnh có người dân, tổ chức phản ánh bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 22/63 tỉnh có người dân, tổ chức phản ánh phải trả thêm tiền ngoài phí/lệ phí.
Văn phòng Chính phủ cho biết, việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh cũng như thực thi phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn chậm, thậm chí một số bộ, ngành vẫn chưa có phương án cắt giảm, đơn giản hóa trình Thủ tướng Chính phủ. Việc tham vấn, lấy ý kiến của doanh nghiệp, người dân trong quá trình xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh cũng như xây dựng quy định dự kiến ban hành trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa được quan tâm thực hiện rộng rãi.
Còn nhiều phản ánh, kiến nghị, vướng mắc, đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp về quy định kinh doanh chưa được các bộ, cơ quan chủ động theo dõi, tổng hợp, nghiên cứu, trao đổi, thảo luận giữa các bên liên quan, chưa quan tâm giải quyết dứt điểm hoặc giải trình trước ý kiến góp ý của hiệp hội, doanh nghiệp và người dân.
Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm triển khai việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, chưa coi đây là một giải pháp để thực hiện mục tiêu kép, nhất là đối với việc thực hiện các dịch vụ công thiết yếu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/04/2022. Bên cạnh đó, việc triển khai số hóa còn chậm, có nơi còn lúng túng và chưa triển khai tập huấn trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương; do đó có nguy cơ không bảo đảm tiến độ đề ra.
Việc triển khai kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh còn chậm do chưa đáp ứng được yêu cầu về an toàn, an ninh thông tin dẫn đến nhiều thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng người dân vẫn phải cung cấp lại khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công. Việc xác định giá trị pháp lý của hồ sơ điện tử khi người dân, doanh nghiệp nộp trực tuyến còn khó khăn, nhất là khi người dân chưa có chữ ký số cá nhân; tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến còn thấp, người dân vẫn có thói quen nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa.
Chỉ số tuân thủ thủ tục hành chính - APCI 2021 (do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện với sự hỗ trợ của USAID/LinkSME) chỉ ra rằng, để thực hiện một thủ tục hành chính trong nhóm đất đai, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 36,6 giờ, chi phí trực tiếp là khoảng 3,1 triệu đồng.
Mặc dù không có sự khác biệt đáng kể về chi phí trực tiếp qua các năm, nhưng chi phí thời gian của doanh nghiệp dành cho các thủ tục hành chính đất đai tăng đáng kể. Việc doanh nghiệp thuê các đơn vị trung gian tư vấn ngày càng trở nên phổ biến. Ngoài ra, mức độ phổ biến về chi phí không chính thức trong các thủ tục hành chính về đất đai cũng có xu hướng tăng lên, là những tín hiệu về việc cần phải đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến và chia sẻ cơ sở dữ liệu về đất đai.
Theo Văn phòng Chính phủ, nguyên nhân của hạn chế trên có cả chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát trong tổ chức thực hiện; một số cơ quan, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu.
Một bộ phận cán bộ, công chức thực thi công vụ chưa nghiêm, năng lực, trình độ còn hạn chế; việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ; kỹ năng làm việc trên môi trường số còn nhiều bất cập; cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương còn phân tán, manh mún, chất lượng dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu...
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khách quan chi phối như: Thể chế quản lý, vận hành Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh cũng như các nghị định về định danh xác thực điện tử, về bảo vệ dữ liệu cá nhân chậm được ban hành. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính là công việc mới được triển khai, cần thời gian để tiếp cận, làm quen.
Thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến phải thực chất
Để thực hiện thành công mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2022 về “cắt giảm thực chất các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và đẩy mạnh chuyển đổi số”, cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm chi phí tuân thủ cần tiếp tục được coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 và thời gian tới của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Trong báo cáo APCI 2021, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đề xuất tập trung đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Đặc biệt, công tác rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tập trung trong 9 nhóm thủ tục hành chính gắn kết mật thiết với môi trường kinh doanh, bao gồm: Đầu tư; giao dịch thương mại qua biên giới; khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; môi trường; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đất đai; xây dựng; thuế và kiểm tra chuyên ngành. Những hoạt động này có tác động lan tỏa và bao trùm tới các hoạt động kinh tế. Các hoạt động này cần thực hiện theo đúng kế hoạch mà Nghị quyết đã đặt ra, thay vì trông chờ vào thay đổi quy định pháp luật.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh áp dụng thực hiện và xử lý thủ tục hành chính trực tuyến, gia tăng các thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và các cổng dịch vụ xử lý thủ tục hành chính trực tuyến của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.
“Việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến phải thực chất, triệt để và hiệu quả, từng bước thay thế cho việc thực hiện thủ tục hành chính theo phương pháp truyền thống. Đặc biệt, cần tránh tình trạng đưa yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến trở thành một thủ tục hành chính mới và sẽ tạo thành chi phí tuân thủ bổ sung”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhận định.
Các cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh công tác chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các cơ quan để người dân, doanh nghiệp không phải thực hiện các thủ tục hành chính “con”, “phụ” để có thể giảm chi phí tuân thủ; xây dựng dữ liệu về chi phí tuân thủ đối với từng thủ tục hành chính, nhóm thủ tục hành chính kết hợp với sơ đồ hóa các quy định về thủ tục hành chính được dự thảo hoặc đã ban hành để có cơ sở đơn giản hóa hoặc cắt giảm thủ tục hành chính đang dự kiến ban hành hoặc đang áp dụng.
Cơ sở dữ liệu này giúp nâng cao chất lượng cho công tác đánh giá tác động dự thảo chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và công tác rà soát thủ tục hành chính hoặc rà soát các quy định pháp luật đang gây cản trở cho hoạt động kinh doanh. Phương án này cùng với các phương án khác sẽ giúp cho việc đạt mục tiêu cắt giảm 20% chi phí tuân thủ được yêu cầu trong Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ năm 2020 về cắt giảm, đơn giản hóa quy định.
Cũng theo bà Thủy, áp dụng thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, phát triển các hệ thống hỗ trợ, tư vấn, thông tin về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh hay tăng cường giám sát để giảm chi phí không chính thức… đều là những hành động, biện pháp có thể thực thi ngay mà không cần phải chờ tới việc thay đổi các quy định pháp luật.
Các địa phương cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế hợp tác về chia sẻ dữ liệu, liên thông trong việc thực hiện các thủ tục hành chính có tính liên kết giữa các địa phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung chỉ đạo ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền thực thi ngay phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo nguyên tắc một văn bản sửa nhiều văn bản và theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bảo đảm thời gian hoàn thành chậm nhất trong 9 tháng đầu năm 2022 đối với các văn bản quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng.
Đồng thời, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh đang còn hiệu lực và dự kiến ban hành có nhiều phản ánh, kiến nghị, vướng mắc, khó khăn trong thực hiện hoặc tạo rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh năm 2022 trước ngày 30/9/2022.
Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 1/6/2022 cũng như việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với 25 dịch vụ công thiết yếu từ ngày 1/7/2022 theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thiết lập kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan hành chính nhà nước…/. (Hết)