Tạo đột phá từ con đường cải cách: Bài 1 - Đổi mới thực chất quy định kinh doanh của ngành thông tin và truyền thông
Nhiều bộ, ngành tích cực cắt giảm, đơn giản hóa những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, qua đó, giảm thời gian và chi phí tuân thủ các quy định.
TTXVN - Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 đặt ra mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020; đồng thời giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh việc cắt giảm các quy định đang có hiệu lực thi hành, Nghị quyết yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định mới và thúc đẩy mạnh mẽ cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện mục tiêu trên, nhiều bộ, ngành, với sự hỗ trợ của dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID/LinkSME), đã tích cực cắt giảm, đơn giản hóa những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong các văn bản hiện hành, giảm thời gian và chi phí tuân thủ các quy định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Phản ánh những nỗ lực này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 5 bài viết: “Tạo đột phá từ con đường cải cách”.
Bài 1 - Đổi mới thực chất quy định kinh doanh của ngành thông tin và truyền thông
Thực hiện nhiệm vụ cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tính đến ngày 15/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cập nhật 731 quy định đang có hiệu lực thi hành vào hệ thống Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh, gồm 331 thủ tục hành chính; 172 yêu cầu, điều kiện; 56 chế độ báo cáo; 121 quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; 53 quy định về kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, Bộ đã duyệt công khai 678 quy định liên quan đến các lĩnh vực an toàn thông tin; báo chí; phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; tần số vô tuyến điện; viễn thông; xuất bản, in và phát hành; bưu chính; công nghệ thông tin; khoa học và công nghệ; internet; chứng thực điện tử.
Thực thi 12 phương án cắt giảm, đơn giản hóa
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã tiến hành rà soát, cập nhật dữ liệu về các phương án cắt giảm, đơn giản hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1994/QĐ-TTg trên Cơ sở dữ liệu quy định kinh doanh, gồm 139 thủ tục hành chính; 28 yêu cầu, điều kiện; 41 chế độ báo cáo; trong đó nhiều nhất là các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành (47 thủ tục), kế đến là lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (32 thủ tục).
Bên cạnh phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1994/QĐ-TTg, Bộ còn rà soát, đề xuất một số phương án khác nằm ngoài kế hoạch, nhằm đảm bảo đổi mới mạnh mẽ, thực chất, cầu thị, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp - những đối tượng chịu tác động của chính sách. Trong số này , có 101 thủ tục hành chính; 6 tiêu chuẩn, quy chuẩn; 24 yêu cầu, điều kiện; 32 chế độ báo cáo. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phải ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 30 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 3 luật; 9 nghị định; 14 thông tư, thông tư liên tịch; 4 loại văn bản khác) để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa.
Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm đến việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh ngay trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tổng số quy định kinh doanh cắt giảm, đơn giản hóa trong 6 tháng đầu năm 2022 là 30 quy định về thủ tục hành chính tại 1 nghị định và 3 thông tư. Riêng Vụ Khoa học và Công nghệ đã cắt giảm, đơn giản hóa 13 chế độ báo cáo. Vụ Bưu chính cắt giảm 12 thủ tục hành chính. Cục Viễn thông và Cục Báo chí cắt giảm, đơn giản hóa một số thủ tục.
Bộ đã có 12 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được thực thi, đều là các thủ tục hành chính trong lĩnh vực bưu chính.
Tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí tuân thủ
Theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2020 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 15 ngành nghề kinh doanh sẽ cắt giảm, đơn giản hóa quy định về thủ tục hành chính; yêu cầu, điều kiện trong hoạt động kinh doanh. Nhiều thủ tục được bãi bỏ hoàn toàn như cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, thông báo thay đổi tên miền khi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên trang thông tin điện tử (trên Internet), kênh phân phối trò chơi (G2, G3, G4); chuyển nhượng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu (thủ tục hành chính cấp địa phương)…, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Với thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, trước đây chi phí tuân thủ lên tới hơn 2,16 tỷ đồng/năm. Khi thực hiện bỏ thành phần hồ sơ “phương án địa điểm đặt phòng máy của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng phù hợp theo diện tích quy định” và “nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng”, bổ sung hình thức thực hiện thủ tục hành chính trên phương tiện điện tử (chuyển hình thức các bản giấy thành bản điện tử), tổ chức, cá nhân không chỉ thuận tiện khi thực hiện hồ sơ thủ tục, tiết kiệm thời gian, mà còn giảm được chi phí tuân thủ lên tới 651,8 triệu đồng/năm (giảm 30,1%), xuống còn hơn 1,5 tỷ đồng/năm.
Hay như các thủ tục xác nhận đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu bắt buộc phải công bố hợp quy; xác nhận đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy, chỉ với bước bổ sung hình thức thực hiện thủ tục hành chính trên phương tiện điện tử (chuyển hình thức các bản giấy thành bản điện tử) đã tiết kiệm được 381 triệu và 572 triệu đồng mỗi năm. Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in khi tiến hành mẫu hóa và thực hiện trên phương tiện điện tử giúp tiết kiệm 770 triệu đồng/năm (từ hơn 1 tỷ đồng xuống còn 237 triệu đồng một năm, cắt giảm 76,5% chi phí).
Cắt giảm chi phí nhiều nhất là các thủ tục trong lĩnh vực hoạt động của nhà xuất bản. Thủ tục cấp giấy xác nhận đăng ký xuất bản được bỏ đi 4 nội dung trong mẫu đăng ký xuất bản bao gồm: Tên nguyên bản của xuất bản phẩm dịch; ngữ được dịch (dịch từ ngôn ngữ nào); khuôn khổ (hoặc định dạng file); số trang (hoặc dung lượng xuất bản phẩm điện tử); đồng thời mẫu hóa và thực hiện thủ tục hành chính trên phương tiện điện tử (chuyển hình thức các bản giấy thành bản điện tử) đã làm giảm số ngày giải quyết thủ tục hành chính từ 7 ngày làm việc xuống còn 5 ngày làm việc, đơn giản hóa cách thức thực hiện, giúp cho nhà xuất bản tiết kiệm thời gian thực hiện, tiết kiệm được gần 2,1 tỷ đồng chi phí tuân thủ thủ tục mỗi năm.
Thủ tục cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh (thủ tục hành chính trung ương và địa phương) được giảm thành phần hồ sơ: “ba bản thảo tài liệu” xuống còn “hai bản thảo tài liệu”; mẫu hóa và thực hiện thủ tục hành chính trên phương tiện điện tử, làm giảm số ngày giải quyết thủ tục hành chính từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc. Phương án này tạo điều kiện thuận lợi cho nhà xuất bản và đơn giản hóa cách thức thực hiện, thống nhất thành phần hồ sơ, tránh cách hiểu không thống nhất, giúp cho cá nhân, tổ chức tiết kiệm thời gian thực hiện và giảm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục. Lợi ích của phương án là tiết kiệm 38,7 triệu đồng/năm với thủ tục hành chính cấp trung ương và hơn 4,3 tỷ đồng/năm với thủ tục ở cấp địa phương.
Đáng chú ý, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp, đối tượng chịu sự tác động về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định thông qua việc góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo; góp ý thông qua trang thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ… từ đó tiếp thu được nhiều ý kiến hoặc có đủ cơ sở tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến từ các bên có liên quan.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, tạo đột phá trong đổi mới thể chế, trọng tâm là đổi mới thể chế về quy định kinh doanh và thực thi thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình cắt giảm quy định kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Theo đó, Bộ tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đang còn hiệu lực và dự kiến ban hành có nhiều phản ánh, kiến nghị, vướng mắc, khó khăn trong thực hiện hoặc sẽ tạo rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền thực thi ngay phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ cũng tiếp tục thực hiện tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp và đối tượng chịu sự tác động phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, những quy định đang tạo gánh nặng hành chính và khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xã hội quan tâm, có nhiều ý kiến phản ánh và quy định dự kiến ban hành trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật./.
(Bài 2 - Bãi bỏ hàng loạt thủ tục trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo)