Yên Bái thực hiện cải cách hành chính, lấy xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số làm khâu đột phá, tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính
(TTXVN) Yên Bái đang quyết liệt, tập trung triển khai thực hiện cải cách hành chính trên các lĩnh vực, trong đó lấy xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số làm khâu đột phá, tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin
Yên Bái xác định khâu đột phá trong 6 lĩnh vực cải cách hành chính là phát triển nhanh chính quyền điện tử, chính quyền số thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn hệ thống quản lý nhà nước, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính các cấp và tạo tiền đề hoàn thiện cơ sở hạ tầng xây dựng đô thị thông minh.
Ông Hoàng Minh Tiến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu theo hướng đồng bộ, hiện đại đã và đang được các cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp trên toàn tỉnh tích cực hưởng ứng, chủ động tham gia; nhiều liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông đã được thiết lập và triển khai thực hiện sâu rộng tới cơ sở.
Điển hình như ngành Bảo hiểm Xã hội, chỉ sau một thời gian ngắn, đã có 93% đơn vị thực hiện giao dịch điện tử; 100% đơn vị nhận kết quả qua dịch vụ Bưu chính công ích; 110 ngàn người tham gia bảo hiểm đã có tài khoản dịch vụ công. Nhờ đó, thời hạn cấp sổ và thẻ bảo hiểm rút ngắn từ 20 ngày xuống còn 5 ngày làm việc. Việc cấp lại, cấp đổi thẻ bảo hiểm giảm còn 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ.
Theo ông Hoàng Văn Thủy, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Yên Bái, hiện 100% thủ tục hành chính được giải quyết theo cơ chế "một cửa”, "một cửa liên thông” trực tuyến điện tử qua dịch vụ bưu chính công ích với ứng dụng VSSiD; người dân và doanh nghiệp hoàn toàn giao dịch, giải quyết công việc qua mạng. Toàn bộ 25 thủ tục hành chính được tiếp nhận trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công các cấp trong tỉnh; trong đó dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 22 thủ tục, đạt 88%.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, toàn ngành đã đạt 100% thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công của tỉnh, niêm yết công khai đầy đủ bằng 4 hình thức; trong đó có 88 thủ tục hành chính được giải quyết ở mức độ 3, mức độ 4. 100% cán bộ, giáo viên, học sinh được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; 100% cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý giáo dục.
Là địa phương 3 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính khối cấp huyện, đến nay 100% phòng, ban, đơn vị và các xã, phường của thành phố Yên Bái đảm bảo sử dụng phần mềm kết nối liên thông, các máy tính được kết nối Internet băng thông rộng; 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hòm thư điện tử công vụ; đảm bảo 95% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến.
Ông Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái khẳng định, địa phương luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, liên tục nâng cấp các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng cơ bản, chuyên ngành phục vụ quản lý trong các cơ quan chuyên môn. Ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là giải pháp cải cách hành chính một cách thực chất, hiệu quả nhất.
Hiện nay, Yên Bái đã duy trì triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện trực tuyến mức độ 4 liên thông từ tỉnh đến xã. Cổng dịch vụ công một cửa điện tử tỉnh đã đảm bảo các chức năng giúp người dân và doanh nghiệp xử lý, giải quyết hồ sơ trực tuyến như gửi hồ sơ và giải quyết các thủ tục hành chính; mặc định ý kiến khi chuyển bước hồ sơ; tra cứu tình trạng hồ sơ thủ tục hành chính; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị...
Hiệu quả và lợi ích thiết thực
Nhận thức rõ hiệu quả và lợi ích mang lại từ việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, từ giữa năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU của Tỉnh ủy. Theo đó, Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành, tạo dấu mốc quan trọng, đột phá trong quá trình hiện đại hóa và cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn. Đặc biệt, điều này đã phát huy tác dụng khi dịch bệnh bùng phát, giao dịch trực tiếp bị hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số kịp thời đã tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến được thông suốt từ tỉnh tới cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái cho biết, việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử một cách bài bản, khoa học, đúng lộ trình đã góp phần quan trọng kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, giúp địa phương là tỉnh cuối cùng trong cả nước xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng và là tỉnh giữ được "vùng xanh” trên bản đồ COVID-19 của cả nước. Đồng thời, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua vẫn được duy trì tốt.
Theo ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái, nhờ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường trực tuyến, hàng trăm doanh nghiệp đã kết nối, ký kết hợp đồng, thực hiện thành công hàng nghìn lượt giao dịch thương mại; đặc biệt, tỉnh hỗ trợ nông dân quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, nhiều nông sản của địa phương được tiêu thụ dễ dàng, bền vững thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử.
Năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Yên Bái đạt vị trí 21/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc) và Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) đạt 42,354 điểm (xếp vị trí 29/63 tỉnh, thành phố). Đặc biệt, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước xếp vị trí thứ 14/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2020).
Tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, các tiện ích điện tử thông minh đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, chính xác. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm, bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã đã tiếp đón và giải quyết công việc cho gần 300.000 lượt công dân và nhận được 99,9% lượt đánh giá rất hài lòng, 0,1% hài lòng của người dân, tổ chức.
Nhận định về kết quả bước đầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn khẳng định, sau một năm thực hiện hệ thống "một cửa điện tử” và từng bước chuyển đổi số toàn diện, việc cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai rộng rãi, trở nên quen thuộc đối với người dân, doanh nghiệp. Điều này góp phần đổi mới phương thức làm việc, tối ưu hóa bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới./.
- Từ khóa:
- Yên Bái
- bảo hiểm xã hội
- bảo hiểm y tế