Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
(TTXVN) Ngày 13/7, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lộ trình đến năm 2025 theo các Nghị quyết của Đảng (Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW).
6 tháng đầu năm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Xác định rõ quan điểm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", với phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả", toàn ngành đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu đề ra.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)…
Đồng thời, ngành chủ động trao đổi, thống nhất để kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc COVID-19 điều trị tại nhà; chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh vượt trần, vượt quỹ; đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, không để người bệnh tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng.
Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp; tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với tình hình mới trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động đến cuộc sống, thu nhập của người dân…, phát triển, vận động người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Nhờ đó, đến hết tháng 6/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt trên 16,8 triệu người (tăng hơn 4,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gần 1,7% so với hết năm 2021), chiếm 33,26% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 1,323 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,794 triệu người (tăng gần 4,1% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 3% so với hết năm 2021), chiếm 27,28% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 86,538 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,66% dân số.
Giữa bối cảnh dịch COVID-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân, vai trò của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội càng được khẳng định. Công tác giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn đảm bảo thực hiện kịp thời, đúng quy định, đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch với cơ quan Bảo hiểm Xã hội.
6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã giải quyết 38.810 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; gần 6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Ngành phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 443.457 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, cả nước có khoảng 64,2 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú với số tiền chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 46.294 tỷ đồng.
Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
Bên cạnh quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã kịp thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đến hết tháng 6/2022, thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, toàn ngành đã thực hiện giảm đóng vào các Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và chi hỗ trợ từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí trên 45.444 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Trong đó, riêng chi trả chế độ hỗ trợ bằng tiền cho gần 12,968 triệu lao động với số tiền 30.804 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tính đến ngày 10/7, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xác nhận cho 27.278 đơn vị với trên 1,76 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đang làm việc trong doanh nghiệp để được hưởng mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng; xác nhận cho 6.771 đơn vị với 82.429 lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quay trở lại thị trường lao động để hưởng mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.
Kết quả trên đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chuỗi cung ứng lao động, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Ghi nhận sự nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Văn Cường đề nghị ngành tiếp tục có giải pháp quyết liệt để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022. Trong đó, tận dụng triệt để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm trong thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc, Bảo hiểm Xã hội các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo ngành và đại diện lãnh đạo Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; nắm chắc, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động phân tích, đánh giá, nâng cao năng lực dự báo để kịp thời có phương án, kịch bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành “từ sớm, từ xa” đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nêu rõ, cần có nhận thức và hành động đúng đắn, kịp thời, quyết liệt, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; đồng thời nâng cao năng lực thích ứng, phát huy tư duy sáng tạo, đổi mới và linh hoạt trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn liền với việc xây dựng các quy trình, quy chế; cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.
“Toàn ngành phối hợp với các cấp, ngành giải quyết đồng thời, hài hòa hai vấn đề quan trọng, vừa đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng, vừa kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ; đảm bảo hiệu quả, an toàn và tối ưu nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh./.
- Từ khóa:
- bảo hiểm xã hội
- bảo hiểm y tế