Thời sự

Tạo cơ hội, sức mạnh để bứt phá, tăng tốc phát triển

Việc sáp nhập không chỉ là sự cộng hưởng về quy mô mà còn là sự cộng hưởng khát vọng về một chính quyền hiện đại, kiến tạo, phục vụ nhân dân và khát vọng về một vùng đất trù phú, văn minh, hội nhập sâu rộng hơn.

Ngày 1/7, HĐND các tỉnh Ninh Bình, Thái Nguyên tổ chức kỳ họp đầu tiên sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng.

*Ninh Bình tạo cơ hội, sức mạnh để bứt phá

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trương Quốc Huy tặng hoa chúc mừng các đồng chí lãnh đạo HĐND tỉnh, Trưởng các Ban HĐND tỉnh. 
Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Tại Kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Ninh Bình, khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã nghe thông báo số lượng đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình sau sắp xếp có 128 đại biểu; thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng thời, chỉ định các đồng chí: Bùi Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Đặng Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Lê Xuân Huy, Tỉnh ủy viên; Hoàng Văn Kiên, Tỉnh ủy viên; Mai Thanh Long, Tỉnh ủy viên giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021- 2026 và một số chức vụ như Trưởng ban Pháp ch, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021 2026.

Thường trực HĐND tỉnh đã trình các dự thảo nghị quyết thành lập các Ban của HĐND tỉnh; thành lập Văn phòng đoàn Đại biểu quốc hội và HĐND tỉnh; kế hoạch tổ chức kỳ họp thường lệ năm 2025... Với tinh thần dân chủ, đồng thuận cao, HĐND tỉnh Ninh Bình đã biểu quyết thông qua 4 dự thảo nghị quyết.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp. 
Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Trương Quốc Huy khẳng định, việc hợp nhất ba tỉnh là bước đi mạnh mẽ trong cải cách, tổ chức bộ máy nhà nước, là cơ hội chiến lược để mở rộng không gian phát triển toàn diện, bổ sung, khắc phục được những hạn chế, qua đó tạo cơ hội, sức mạnh để bứt phá, tăng tốc phát triển, xây dựng tỉnh Ninh Bình mới là một trung tâm phát triển năng động, hiện đại, bền vững của vùng Đồng bằng sông Hồng. Việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp đòi hỏi sự đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là HĐND tỉnh - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là nơi hội tụ trí tuệ, bản lĩnh, khát vọng phát triển, trung tâm đoàn kết và quyết sách mọi lợi ích lâu dài của nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh Kỳ họp thứ nhất mang ý nghĩa lịch sử, đề nghị HĐND tỉnh cần đặc biệt tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm như nỗ lực, quyết liệt hơn nữa nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND; đổi mới phương thức hoạt động, bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch trong các quyết sách; phát huy vai trò giám sát, nhất là đối với các lĩnh vực đầu tư công, đất đai, tài nguyên, cải cách hành chính để đảm bảo phát triển năng động và hiệu quả.

HĐND phải là cầu nối giữa ý chí của Đảng với nguyện vọng của nhân dân; khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân; đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết trong mọi quyết sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm. Mỗi đại biểu cần gương mẫu, trách nhiệm, gần dân, sát dân, trọng dân, nắm chắc tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh trung thực, từ đó góp phần ban hành các quyết sách phù hợp với thực tiễn.

HĐND phải đồng hành cùng UBND và cả hệ thống chính trị trong chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Ninh Bình trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng. Phấn đấu trước năm 2035, Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là đô thị văn minh, hiện đại, bền vững, có bản sắc văn hóa, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trong nước và quốc tế. HĐND tỉnh cần phát huy trí tuệ trong việc ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách mang tính đột phá tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực then chốt như du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển đồng bộ hạ tầng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc của quê hương Ninh Bình.

*Thái Nguyên mở rộng không gian phát triển với diện mạo mới

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng tặng hoa cho Thường trực HĐND tỉnh và Trưởng các ban của HĐND tỉnh tại kỳ họp. 
Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh: Đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy chính quyền, mở ra cơ hội để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương để tạo nên một chỉnh thể kinh tế - xã hội hài hòa, năng động, có khả năng thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, mở rộng không gian phát triển với diện mạo mới và tạo sức bật về tăng trưởng trong các năm tiếp theo.

Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, việc sáp nhập không chỉ là sự cộng hưởng về quy mô mà còn là sự cộng hưởng khát vọng về một chính quyền hiện đại, kiến tạo, phục vụ nhân dân và khát vọng về một vùng đất trù phú, văn minh, hội nhập sâu rộng hơn. Ngay sau kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh, các cấp, ngành cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong mọi hoạt động giữa bộ máy chính quyền của tỉnh với các cơ quan Tư pháp, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể dưới sự lãnh đạo toàn diện của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị. UBND tỉnh cần tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, tăng cường rà soát, tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; chuẩn bị chu đáo, chất lượng các nội dung của kỳ họp chuyên đề và kỳ họp thường lệ giữa năm.

Ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên, phát biểu tại Kỳ họp. 
Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã nghe trình bày các thông báo, công bố Nghị quyết về số lượng và danh sách đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của HĐND tỉnh Thái Nguyên; Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh về việc chỉ định Ủy viên UBND tỉnh Thái Nguyên; Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh về việc phê chuẩn Phó Trưởng ban của HĐND tỉnh Thái Nguyên...

Các đại biểu cũng thông qua một số nghị quyết quan trọng, góp phần đảm bảo bộ máy chính quyền địa phương đi vào hoạt động ngay từ những ngày đầu thực hiện chính quyền địa phương hai cấp. Trong đó đó có việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; thành lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên; tạm giao biên chế cán bộ, công chức trong các cơ quan của chính quyền địa phương cấp tỉnh và tổng biên chế cán bộ, công chức của chính quyền địa phương cấp xã, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2025.../.


Hải Yến - Hoàng Thảo Nguyên

Tin liên quan

Xem thêm