An sinh

Tạo đột phá từ quá trình địa phương hóa các mục tiêu phát triển bền vững

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, việc địa phương hóa các mục tiêu phát triển là chiến lược quan trọng nhằm đảm bảo các nghiên cứu và chính sách khoa học xã hội được triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền, đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Các chuyên gia thảo luận về các vấn đề về địa phương hoá tại Việt Nam.
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, việc địa phương hóa các mục tiêu phát triển là chiến lược quan trọng nhằm đảm bảo các nghiên cứu và chính sách khoa học xã hội được triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền, đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Trước tính cấp thiết của vấn đề này, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) đã triển khai thành công Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp địa phương hóa các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Theo các học giả, cụ thể hóa Chương trình nghị sự 2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017), trong đó đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. Tiếp đó, Thủ tướng tiếp tục ban hành Quyết định 681/QĐ-TTg về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 và để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển bền vững.

Ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu, trong đó có định hướng các ngành, các cấp và địa phương đến năm 2030. Có thể nói, ở cấp độ quốc gia, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành những văn bản cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững, nói cách khác là bản địa hóa các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Ở cấp địa phương, bắt đầu từ năm 2021, chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh được xây dựng nhằm đánh giá mức độ phát triển của từng địa phương theo các chỉ tiêu thành phần. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố tiến hành địa phương hóa các mục tiêu phát triển bền vững thành các mục tiêu phát triển cụ thể và xác định ưu tiên của địa phương. Điển hình như thành phố môi trường - thành phố đáng sống của Đà Nẵng, ưu tiên xây dựng nền văn hóa bền vững của Vĩnh Phúc hay nâng cao chỉ số hạnh phúc của Yên Bái...

Thạc sỹ Bùi Quang Bình, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đánh giá, mỗi vùng miền có những đặc điểm riêng về văn hóa, kinh tế, xã hội. Việc hiểu rõ những đặc điểm này giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết định phù hợp, từ đó nâng cao hiệu quả triển khai.

Bên cạnh đó, khi cùng được tham gia quá trình nghiên cứu và triển khai các mục tiêu phát triển, cộng đồng địa phương sẽ cảm thấy được tôn trọng và có trách nhiệm hơn đối với các chính sách này. Thạc sỹ Triệu Thanh Quang, Viện Dân tộc học Việt Nam cho rằng, tập trung triển khai các chính sách phát triển với đặc thù từng địa phương góp phần đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia theo hướng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng miền.

Điều này yêu cầu sự linh hoạt trong thiết kế và thực thi các chính sách, cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Địa phương hóa các mục tiêu phát triển cũng cho phép khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có tại địa phương, bao gồm nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, kiến thức truyền thống. Điều này giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm sự phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Lê Thị Thu Hiền, Viện Địa lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng chỉ ra thách thức lớn nhất trong việc địa phương hóa là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại các địa phương. Tiến sỹ Thu Hiền đề xuất cần có các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ nghiên cứu và quản lý tại các vùng miền, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các trường đại học và viện nghiên cứu địa phương.

Giải pháp cho vấn đề này là cần triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ nghiên cứu và quản lý tại các vùng miền. Hơn nữa, việc khuyến khích sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu địa phương cũng là một hướng đi cần thiết. Sự đa dạng về văn hóa và kinh tế giữa các vùng miền có thể gây ra khó khăn trong việc thống nhất các mục tiêu phát triển.

Nhiều chuyên gia cho rằng, công nghệ và dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương. Việc sử dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn có thể cải thiện khả năng thu  thập, phân tích và quản lý thông tin, từ đó nâng cao hiệu quả của các nghiên cứu và chính sách phát triển.

Nghiên cứu việc địa phương hóa các mục tiêu phát triển là một quá trình phức tạp nhưng cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện của đất nước. Bằng cách chú trọng vào sự tham gia của cộng đồng địa phương, thích ứng linh hoạt các chính sách, nâng cao năng lực nhân lực, ứng dụng công nghệ và tăng cường hợp tác liên ngành, nước ta có thể đạt được những mục tiêu phát triển một cách hiệu quả, phù hợp và bền vững nhất./.

Lý Thị Thanh Hương

Xem thêm