Trước khi thực hiện cưỡng chế, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân nắm rõ chủ trương và thực hiện tự di dời tài sản.
Ngày 22/7, ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, UBND huyện vừa ban hành thông báo thay đổi thời gian cưỡng chế các hộ dân lấn chiếm đất tại Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm. Theo đó, việc cưỡng chế sẽ thực hiện từ ngày 30/7 đến ngày 2/8 tới đây, thay vì từ ngày 23 - 26/7 như thông báo trước đó.
Trước khi thực hiện cưỡng chế, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân nắm rõ chủ trương và thực hiện tự di dời tài sản. Ông Trần Vĩnh Phú thông tin thêm, trong quá trình vận động, hộ ông N.V.K (lấn chiếm khoảng 2.500m2) tự nguyện tháo dỡ, di dời tài sản khỏi khu vực đất lấn chiếm.
Cũng trong ngày 22/7, có 3/13 hộ dân thuộc diện bị cưỡng chế đã thông báo tự nguyện tháo dỡ tài sản, kiến trúc. Chính quyền địa phương ghi nhận nguyện vọng, đồng thời mời 3 hộ dân tới UBND xã Quảng Tâm để làm việc, lên phương án hỗ trợ việc di dời.
Các hộ dân tự nguyện di dời sẽ được chính quyền hỗ trợ nhân lực, vật lực để đảm bảo việc tháo dỡ, di dời tài sản, ông Trần Vĩnh Phú nêu rõ.
Như phóng viên TTXVN đã thông tin, Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm có diện tích gần 35ha, được UBND tỉnh Đắk Nông cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Đại Gia Thành thuê đầu năm 2012.
Tuy nhiên, Công ty này đã để người dân lấn chiếm đất, sang nhượng trái phép và phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại, gây ảnh hưởng an ninh trật tự tại địa phương. Cuối năm 2019, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định thu hồi diện tích đất đã cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Đại Gia Thành thuê, hủy bỏ giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của doanh nghiệp này.
Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm có 53 trường hợp lấn, chiếm đất trái phép với hơn 32 ha. Các đối tượng lấn chiếm đất để làm nhà ở, kinh doanh và trồng cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, bơ… Để xử lý những trường hợp này, huyện Tuy Đức tổ chức đối thoại với hộ dân vi phạm; tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, địa phương; không nghe theo lời xúi giục của phần tử xấu lôi kéo, kích động; tháo dỡ, di dời tài sản và trả lại đất đã chiếm.
Huyện Tuy Đức đã giải quyết đơn thư, kiến nghị và phán ảnh của người dân liên quan tới đất khu vực này theo quy định của pháp luật; đồng thời tiến hành củng cố hồ sơ, thủ tục để cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thực hiện cưỡng chế trường hợp không chấp hành./.