Hoạt động tín dụng chính sách tại hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh góp phần giúp 111.259 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 61.668 lao động.
Ngày 18/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị tỉnh Thái Bình tích cực vào cuộc, phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cơ chế, chính sách của Nhà nước và của tỉnh trong hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định sinh kế… Qua đó, đóng góp quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, đến ngày 30/6/2024, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia quản lý 97.570 khách hàng, với tổng số tiền 4.484 tỷ đồng, chiếm 99,88% tổng dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao, tổng nợ quá hạn, nợ khoanh là hơn 5 tỷ đồng, chiếm 0,11% tổng dư nợ, giảm 0,03% so với năm 2014.
Hoạt động tín dụng chính sách tại hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh góp phần giúp 111.259 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 61.668 lao động; giúp 121.630 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng 473.272 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng 5.047 căn nhà cho hộ nghèo, đối tượng chính sách.
Nguồn vốn tín dụng chính sách khẳng định vai trò, góp phần đáng kể vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Điển hình, giai đoạn từ 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm từ 5,27% (năm 2015) xuống còn 2,35% (năm 2020); giai đoạn 2021-2003, giảm từ 2,4% (năm 2021) xuống còn 1,82% (năm 2023).
Kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh Thái Bình cho thấy đây là chủ trương đúng, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội, làm thay đổi một cách sâu sắc về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, nhận được sự ủng hộ, đồng tình của các cấp, ngành, tổ chức quốc tế và đông đảo nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tại Thái Bình còn một số khó khăn, hạn chế. Công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ tại một số đơn vị chưa được thường xuyên. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa sát sao, chỉ đạo kịp thời trong việc rà soát bổ sung, lập danh sách đối tượng thụ hưởng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương còn chiếm tỷ trọng thấp trong nguồn vốn chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người lao động. Một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả…
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thời gian qua, nguồn vốn này trên địa bàn tỉnh được sử dụng hiệu quả, là nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải, thời gian tới, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bình nâng cao hơn nữa trách nhiệm, bám sát chủ trương của tỉnh để đưa nguồn vốn quan trọng này vào sâu rộng trong xã hội, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới…
Để tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW, thời gian tới, tỉnh Thái Bình đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách tín dụng chính sách xã hội, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở; phối hợp đảm bảo quản lý chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng...
Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND, tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai hiệu quả chương trình tín dụng chính sách xã hội nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, nâng cao đời sống người nghèo và đối tượng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội./.