Nhờ có mô hình khởi nghiệp, hàng trăm phụ nữ ở vùng biên giới Tây Ninh đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Chị Lê Thị Kim Thúy (sinh năm 1972, ngụ ấp Thành Đông, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) bắt đầu khởi nghiệp với nghề đan lát sản phẩm thủ công từ nhựa giả mây, từ đó chị nhân rộng mô hình, hỗ trợ cho hàng trăm phụ nữ ở vùng biên giới Tây Ninh vươn lên thoát nghèo.
Chị Thúy kể, khoảng năm 2020, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Long kết nối, tạo điều kiện giúp đỡ tham gia lớp học nghề đan lát sản phẩm thủ công từ một công ty đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Nhanh nhẹn, khéo tay nên sau 1-2 buổi học, chị Thúy bắt đầu làm được một số sản phẩm.
Chị vừa học, vừa làm nâng cao tay nghề để mỗi sản phẩm đều đạt chất lượng theo đơn đặt hàng. Thấy công việc có thu nhập ổn định, ban đầu có 3-4 phụ nữ trong xóm đến học nghề, chị Thúy tận tình hướng dẫn. Chị em chưa biết làm sẽ ở lại nhà chị vài buổi để nghe hướng dẫn, thực hành. Những chị em đã thành thạo thì mang nguyên liệu về nhà làm thêm.
Ở vùng biên giới, để tìm được công việc vừa sức, vừa ổn định vừa tận dụng được thời gian rảnh rỗi cho người lớn tuổi rất khó. "Bản thân tôi từng lâm vào tình cảnh này nên khi thấy mình có thu nhập ổn định đã mở rộng việc làm để nhiều chị em có thêm thu nhập. Tùy thuộc vào tay nghề, trung bình mỗi ngày, mỗi người có thể đạt thu nhập từ 80.000 – 150.000 đồng”, chị Thúy nói.
Tay nghề được nâng cao, thu nhập tăng, số phụ nữ địa phương tham gia công việc tăng dần từ 10 người lên 20 người, 30 người và tiếp tục lan tỏa xa hơn. Nhờ đó, không chỉ phụ nữ ở địa phương mà nhiều chị em ở các xã lân cận cũng đến tham gia. Đến nay, cơ sở của chị Thúy giải quyết được việc làm cho gần 100 lao động nữ ở nông thôn.
Theo chị Trịnh Thị Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Long, địa phương hiện có hơn 2.300 hội viên phụ nữ sinh hoạt tại 8 chi hội và 50 tổ hội chủ yếu gắn với nghề nông. Phần lớn phụ nữ vùng biên giới làm nghề buôn bán nhỏ lẻ, làm thuê nên thu nhập rất bấp bênh.
“Từ khi mô hình khởi nghiệp của chị Thúy phát triển, có thu nhập khá, chị đã mạnh dạn giới thiệu, hướng dẫn và tạo điều kiện để nhiều phụ nữ trong xã có thêm việc làm. Đặc biệt, mô hình đã giúp các chị em tận dụng tối đa thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập, giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình. Chị Thúy còn là một Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp năng động, nhiệt huyết ở địa phương, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế ở vùng biên Tây Ninh”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Long cho biết.
Nhờ nghề đan lát này, hơn 2 năm nay, chị Trần Thị Trúc Linh (46 tuổi, ngụ ấp Thành Đông) vừa có thời gian chăm sóc gia đình, vừa có thêm thu nhập mỗi tháng từ 2,5 - 3,5 triệu đồng. Chị Linh cho biết, công việc này không khó, không quá nặng nhọc, trong khi chị em chỉ cần chịu khó, chuyên tâm thì ai cũng làm được. Những tháng được cơ sở chị Thúy đặt hàng nhiều, chị Linh dành thêm buổi tối để làm. Trong gia đình chị, ai rảnh cũng có thể tham gia công việc này. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị Linh giờ bớt khó khăn, dần ổn định hơn.
Ngụ cùng địa phương, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (50 tuổi) kể, trước đó chị bất ngờ bị tai biến nên chỉ có thể ở tại nhà phụ giúp gia đình. Cuộc sống ở vùng biên vốn khó khăn lại khó khăn chồng chất hơn với gia đình. Được chị Thúy hướng dẫn nghề đan lát, giờ chị Oanh đã có thêm thu nhập, đủ chi các khoản phí điện, nước trong gia đình hằng tháng, có tiền đi chợ hằng ngày, cuộc sống cũng thoải mái hơn.
Tháng 8/2023, chị Thúy vinh dự là một trong những đại diện của tỉnh Tây Ninh tham dự Hội thảo “Chia sẻ kết quả đánh giá và tham vấn giải pháp nâng cao chất lượng, nhân rộng mô hình sinh kế hiệu quả khu vực dân tộc thiểu số, biên giới” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Nói về mô hình này, ông Võ Minh Nhật, Chủ tịch UBND xã Thành Long nhấn mạnh, chị Thúy là một trong những tấm gương kinh tế điển hình tiêu biểu ở địa phương. Từ việc khởi nghiệp với nghề đan lát đến việc mạnh dạn lan tỏa, giúp đỡ phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân ở vùng biên giới, chị Thúy đã góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương./.