Chính sách và phát triển

Tạo tiền đề vững chắc để Lạng Sơn bước vào kỷ nguyên vươn mình

Lạng Sơn

Tỉnh Lạng Sơn đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và 5 khâu đột phá; trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Quang cảnh cuộc họp. 
Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Ngày 12/5, tại cuộc họp chuyên đề xem xét dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030, do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức, đại diện các sở, ngành cho rằng, báo cáo chính trị cần đánh giá sát tình hình thực tế. Báo cáo đã đưa ra những giải pháp đột phá xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh đảm bảo; tạo cơ sở vững chắc để địa phương bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Dự thảo báo cáo chính trị xác định, giai đoạn 2025-2030, tốc độ tăng tổng sản phẩm của tỉnh bình quân hằng năm từ 10 - 11%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 130 triệu đồng, tương đương khoảng 5.000USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương tăng bình quân 10 - 11%; thu nội địa tăng bình quân từ 10% trở lên. Tổng vốn đầu tư xã hội cả giai đoạn khoảng 180 - 190 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt trên 30%...

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và 5 khâu đột phá; trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Tỉnh đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng đơn giản, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; giải quyết kịp thời, dứt điểm nút thắt, điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Lạng Sơn tiếp tục phát triển kinh tế cửa khẩu, xây dựng cửa khẩu thông minh, thương mại, dịch vụ và du lịch thực sự là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, ưu tiên công nghiệp xanh, an toàn, hiện đại. Lạng Sơn tập trung phát triển khoa học, công nghệ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số...

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định, dự thảo báo cáo chính trị có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, báo cáo chính trị phải đánh giá sát những kết quả đạt được, mặt hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ qua; đưa ra nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá và giải pháp phát triển mới, phù hợp. Đặc biệt, báo cáo chính trị phải cập nhật những nội dung mới theo định hướng của Đảng, Nhà nước như: Công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, mô hình chính quyền địa phương hai cấp; Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân...

Ông Hồ Tiến Thiệu yêu cầu, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu kĩ lưỡng, dựa trên cơ sở thực tiễn đóng góp ý kiến có trách nhiệm để cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030...

Lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành đã cho ý kiến, đóng góp nhiều nội dung quan trọng liên quan đến các chỉ tiêu phát triển kinh kế; phòng chống tham nhũng lãng phí, kiểm soát quyền lực, nhất là đưa ra nhiệm vụ, giải pháp chiến lược hiện thực hóa mục tiêu đưa Lạng Sơn trở thành tỉnh phát triển trong giai đoạn mới.

Góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho rằng, cần đưa vào báo cáo chính trị những chỉ tiêu mới, phù hợp xu thế phát triển và định hướng lớn của tỉnh trong thời gian tới. Đó là: Xây dựng, hoàn thành khu, cụm công nghiệp, nhất là tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp; xác định rõ việc phải hoàn thành các dự án trọng điểm có tác động lớn đến sự phát triển của kinh tế - xã hội như Dự án quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn ở huyện Lộc Bình; hoàn thành, phát huy hiệu quả các tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng và cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)...

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Trọng Hùng góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị. 
Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Trọng Hùng đồng tình với mục tiêu đưa ra trong báo cáo chính trị là phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh đạt trên 30%. Đây là con số tỉnh có thể đạt được, bởi hiện nay theo cách tính tỷ trọng kinh tế số của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2024 tỷ lệ này của Lạng Sơn đã chiếm khoảng 18,3%. Tỉnh đang ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) sẽ mở ra cơ hội bứt phá mới cho Lạng Sơn và cả nước.

Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn Trịnh Tuyết Mai, trong các nhiệm vụ của giai đoạn mới cần nhấn mạnh công tác đổi mới thể chế, vì đây là động lực của tăng trưởng và phát triển. Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo mô hình chính quyền hai cấp cần nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, có khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.../.

Vũ Văn Đạt

Xem thêm