Thời tiết

Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống người dân

Các địa phương đã và đang tập trung triển khai nghiêm túc Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 24/7 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu tỉnh Quảng Ninh theo dõi hoàn lưu bão, khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 2.
 Ảnh: Thanh Vân-TTXVN

Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và phóng viên TTXVN tại các địa phương, bão số 2, hoàn lưu bão gây mưa lớn từ ngày 22-25/7 (tính đến 8 giờ ngày 25/7) đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của nhà nước và nhân dân.

* 10 người chết, mất tích và bị thương

Tại tỉnh Sơn La, mưa lũ đã làm 5 người chết, 4 người mất tích, 1 người bị thương do sạt lở và lũ cuốn trôi, 389 nhà bị thiệt hại (trong đó 28 nhà phải di dời khẩn cấp); 6 điểm trường tiểu học, trường mầm non bị ngập; 126 điểm giao thông bị sạt lở với khối lượng khoảng 7.970m3; trên 270 diện tích lúa bị ngập và cuốn trôi; hơn 3.465 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi...

Mưa lớn tại thành phố Hòa Bình, các huyện Mai Châu, Lương Sơn, Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) cũng làm 213 nhà bị ngập, sạt lở; 517,3 ha lúa bị ngập; nhiều tuyến đường tại các địa phương nêu trên bị sạt lở… Mưa to kèm theo gió lớn tại tỉnh Thái Bình làm 1.380 ha lúa bị ngập úng, gần 2.000 ha rau màu và một số cây trồng khác bị ảnh hưởng. Mưa lớn làm đê tả Hồng Hà II (xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư) bị sạt lở với chiều dài cung sạt 15m, rộng 0,5m, chiều cao 1m; một số bờ bao đê ở huyện Kiến Xương xuất hiện các lỗ rò…

Tuyến đường Phan Đình Giót từ xã Nhuận Trạch ra Quốc lộ 6, đoạn khu công nghiệp Lương Sơn, bị ngập sâu trong nước. 
Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Trên địa bàn thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) xuất hiện 3 điểm sạt lở; lũ tại 3 ngầm tràn, hàng loạt cây xanh bị ngã đổ, bật gốc, 5 hộ dân phải di dời khẩn cấp....; huyện Cô Tô có 1 tàu xi măng (trong âu cảng, thuộc địa bàn thị trấn Cô Tô) và 1 xuồng cao tốc nhỏ đậu gần bến khu 1, thị trấn Cô Tô, bị đắm… Tại tỉnh Bắc Giang, mưa lớn đã làm 2.273 ha lúa bị ngập trắng, một số tuyến đường ở các huyện Sơn Động, Lục Nam bị sạt lở, ngập úng, một số ngầm tràn có nguy cơ bị đứt gãy, xói lở; nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Bắc Giang xảy ra ngập úng... Mưa lớn tại tỉnh Thanh Hóa cũng làm nhiều tuyến đường sạt taluy dương, đá lăn... với khối lượng khoảng 6.350 m3, 8 nhà dân ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa bị ảnh hưởng, hư hỏng…

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) thông tin, mưa lớn kéo dài đã khiến 10 nhà ở của người dân bị ảnh hưởng; 3,1ha rừng thông bị đổ gãy hoàn toàn; ước tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra khoảng 3 tỷ đồng.

Tại Thủ đô Hà Nội, khu vực xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, đã có một người tử vong do bị lũ cuốn trôi. Mưa lớn làm mực nước sông dâng cao đã gây ra những điểm úng ngập từ 20-50 cm tại các tuyến phố thuộc các quận Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, đường gom Đại lộ Thăng Long,… Bên cạnh đó, tuyến đường 70, đoạn qua đường Phương Canh, Tây Mỗ, Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) bị ngập sâu kéo dài. Đặc biệt, tại Khu đô thị Nam An Khánh gần đại lộ Thăng Long, đường nội bộ khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn song song với trục đường Lê Trọng Tấn kéo dài cũng ngập trong "biển" nước...Trên tuyến đê hữu Đáy (đê cấp III) huyện Quốc Oai xảy ra sự cố sạt lở mái đê phía sông tại 4 đoạn với tổng chiều dài 112m.

* Khắc phục thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 27/7-3/8, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to. Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào, dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trước tình hình trên, các địa phương đã và đang tập trung triển khai nghiêm túc Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 24/7 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tỉnh Sơn La đã triển khai công tác khắc phục theo phương châm "4 tại chỗ"; thành lập nhiều đoàn công tác xuống cơ sở, phối hợp với các xã chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nhân dân dọn dẹp nhà cửa, ổn định chỗ ở. Cùng với đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp huy động lực lượng tập trung, bố trí nhân lực, máy móc thiết bị và lực lượng tại chỗ để khẩn trương đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Các lực lượng căng dây, cắm biển cảnh báo, trực để hướng dẫn người dân đi lại; hót dọn, san gạt các vị trí sụt, sạt, sa bồi và giúp đỡ nhiều hộ gia đình sửa chữa, sớm ổn định cuộc sống.

Tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương tập trung phòng, chống sạt trượt, lở đất; sẵn sàng phương án phòng chống ngập lụt, sạt lở trên địa bàn, nơi sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa chủ động theo dõi mực nước hồ, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa trong tình huống mưa lớn sau bão.

Để tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai, trước mắt, Cục Quản lý Đê điều và phòng, chống thiên tai đề nghị tỉnh Sơn La tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Các tỉnh, thành phố khu vực trên cả nước theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.

Bộ đội tham gia giúp dân dọn vệ sinh sau khi nước rút. 
Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du; công tác tuần tra canh gác, đảm bảo an toàn đê điều khi xả lũ thủy điện Sơn La, Hòa Bình; tổ chức lực lượng canh gác, đặt biển cảnh báo tại các ngầm tràn, đường giao thông, khu vực ngập lụt, sạt lở; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh khi nước rút.

Để đảm bảo thoát nước, tại thời điểm xảy ra mưa bão, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một Thành viên Thoát nước Hà Nội đã cho mở cửa phai của các hồ điều hòa như hồ Thiền Quang, Bảy Mẫu, Tân Mai, Đống Đa; vận hành trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… để hạ mức nước trên hệ thống theo đúng quy định... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chỉ đạo địa phương, đơn vị liên quan tổ chức cắm biển báo khu vực sạt lở, cảnh báo cho nhân dân trong khu vực, hạn chế xe có tải trọng lớn qua lại; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, chủ động xử lý giờ đầu, không để sự cố phát triển thêm.

Hiện nay đang là mùa mưa lũ chính vụ ở Bắc Bộ và các tỉnh Tây Nguyên, thời gian tới mưa lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ tiếp tục xảy ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất là rất cao. Tại Công điện số 72/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thiên tai trên địa bàn./.

Thắng Trung

Xem thêm