Các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát các công trình đê điều đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục hoặc đang thi công dang dở và triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn.
Triển khai phương án bảo vệ trọng điểm đê xung yếu
Chiều 22/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cùng các sở, ngành liên quan đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống bão số 2 tại các địa phương.
Tại cảng cá Ngọc Hải và khu du lịch Đồ Sơn, ông Nguyễn Đức Thọ yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm "4 tại chỗ"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư hộ đê để kịp thời xử lý sự cố; tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo quy định. Các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát các công trình đê điều đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục hoặc đang thi công dang dở và triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn; theo dõi chặt chẽ mực nước lũ trên các triền sông và tình hình đê điều; kịp thời báo cáo các sự cố về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở đôn đốc, kịp thời tổng hợp, báo cáo đề xuất xử lý các sự cố xảy ra để đảm bảo an toàn đê điều trên địa bàn thành phố.
Ngay sau kiểm tra thực địa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống bão số 2 với các địa phương.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng, đến 16 giờ ngày 22/7, thành phố đã chuẩn bị đồng bộ các phương án để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống khi bão số 2 đổ bộ.
Từ 12 giờ ngày 22/7, thành phố đã ra thông báo đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, cáp treo, vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo, ven sông. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn của đơn vị thông báo, hướng dẫn cho hơn 1.600 phương tiện vào bờ tránh trú bão an toàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng cũng đã có văn bản số 2773/SNN-TL ngày 22/7/2024 về việc ứng phó bão số 2, triều cường và mưa lũ. Theo đó, Sở đôn đốc, đề nghị các địa phương, đơn vị tổ chức công tác bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; kiểm tra, gia cố công trình đê điều, thủy lợi; tăng cường kiểm tra đê điều, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
UBND huyện Cát Hải có Thông báo số 895/TB-UBND ngày 22/7/2024 về việc tạm dừng tổ chức hoạt động tham quan, vui chơi giải trí, tắm biển trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà và tại các bãi tắm trên địa bàn. Cùng đó, huyện tổ chức vận động 100% nhân dân trên các bè nuôi trồng thủy sản sơ tán về nhà tránh trú an toàn.
UBND huyện Cát Hải đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng phương án đảm bảo an toàn, hỗ trợ, giảm giá tối đa các dịch vụ cho khách, khuyến khích giảm giá 50% dịch vụ phòng nghỉ tại các cơ sở lưu trú trong trường hợp khách du lịch bị mắc kẹt, không kịp về đất liền do ảnh hưởng của bão số 2.
Tính đến 15 giờ ngày 22/7, tổng số khách đang lưu trú tại Cát Bà do ảnh hưởng của bão số 2 là 3.885 người, trong đó có 435 khách quốc tế.
Huyện Bạch Long Vĩ đến cũng đã huy động lực lượng chằng, chống nhà cửa, kho tàng; tuyên truyền, vận động các phương tiện di chuyển vào đất liền tránh trú bão an toàn.
Rà soát, chủ động sơ tán người dân
Ngày 22/7, UBND tỉnh Bắc Kạn có công điện số 04/CĐ-UBND về việc ứng phó với bão số 2 và mưa lũ. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình yêu cầu, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần chỉ đạo, tổ chức rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn...
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan và lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu của địa phương. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn tại các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ và kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.
Sở Công Thương, Điện lực tỉnh Bắc Kạn chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống bão, sạt lở, ngập úng, bảo đảm an toàn đối với lực lượng và công trình thuộc lĩnh vực quản lý của ngành; đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ, không để xảy ra lũ nhân tạo, đảm bảo hệ thống cung cấp, truyền tải điện.
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đối với người và phương tiện tại khu khai thác khoáng sản, các mỏ và điểm mỏ, có phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa bùn thải để giảm nguy cơ rủi ro như tràn, vỡ đập chứa bùn thải khi có mưa lớn. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn chủ động kiểm tra, rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi, bảo đảm vận hành khoa học, an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo...
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Kạn, từ đêm 22/7 đến ngày 24/7, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 2, ở các khu vực trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tồn lượng mưa cả đợt phổ biển từ 80 -150 mm, có nơi trên 200 mm; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các sườn dốc, đề phòng sét đánh, gió giật mạnh trong cơn dông gây nguy hiểm đến tính mạng con người và thiệt hại về tài sản.