Việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với các chuyên gia và cố vấn từ kiều bào là yếu tố cần thiết để Việt Nam cập nhật các xu hướng công nghệ, mô hình phát triển mới; tạo nên sức mạnh cộng hưởng giữa tri thức toàn cầu và tiềm lực trong nước.
Diễn đàn “Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia” trong khuôn khổ Techfest 2024 đã diễn ra chiều 27/11. Diễn đàn là cơ hội nhìn lại kết quả nổi bật trong hành trình xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, chia sẻ những xu hướng mới, vai trò của các tập đoàn lớn, sự hợp tác và hội nhập sâu rộng, bài học kinh nghiệm quý giá từ quốc tế.
*Cộng hưởng tri thức toàn cầu và tiềm lực trong nước
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với các chuyên gia và cố vấn từ kiều bào là yếu tố cần thiết để Việt Nam cập nhật các xu hướng công nghệ, mô hình phát triển mới; tạo nên sức mạnh cộng hưởng giữa tri thức toàn cầu và tiềm lực trong nước.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người, trong đó hơn 10% là trí thức (khoảng 600 nghìn người), hoạt động hiệu quả, thành danh trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, sinh học, vật liệu mới. Đây là nguồn lực rất lớn hỗ trợ cho công cuộc phát triển đất nước. Với 25 hội doanh nhân, 30 hội trí thức Việt Nam ở nước ngoài, ngày càng diễn ra nhiều hoạt động thúc đẩy hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đưa ra chủ trương, chính sách cụ thể về tranh thủ nguồn lực bên ngoài, trong đó có nguồn lực từ kiều bào. Các bộ, ngành, địa phương trong nước đã tổ chức nhiều sự kiện hiện thực hóa chủ trương này. Điển hình là việc tổ chức Vòng chung kết Cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu VietChallenge 2018 tại Mỹ; Diễn đàn “Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước”. Từ năm 2020, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài bảo trợ cho Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hack4growth, kêu gọi người Việt trên toàn thế giới chung tay tìm phương án giải quyết các vấn đề phát triển ở địa phương. Đầu năm 2023, Bộ Ngoại giao hỗ trợ giới thiệu kết nối Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc với một số cơ quan trong nước hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ tổ chức chương trình “Xây dựng chuỗi nông nghiệp thông minh - từ nông trại đến bàn ăn” của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Australia.
Thứ trưởng Phạm Thanh Bình nhận định, quá trình triển khai kết nối khởi nghiệp sáng tạo đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, việc phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong và ngoài nước chưa kịp thời; văn bản pháp luật chưa theo kịp hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc thiếu cơ sở dữ liệu về chuyên gia và trí thức Việt Nam ở nước ngoài cũng gây khó khăn cho việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo, thương mại hóa công nghệ. Bên cạnh đó, kiều bào đang thiếu thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, dẫn đến ảnh hưởng đến kết nối và hỗ trợ mạng lưới khởi nghiệp Việt Nam.
*Tiềm năng thu hút đầu tư ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, đến nay, Trung tâm đã khánh thành 2 cơ sở, cung cấp không gian và thiết bị cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động. Đây có thể coi là hệ sinh thái thu nhỏ hỗ trợ startup kết nối quỹ đầu tư, sử dụng thiết bị dùng chung… Trung tâm tập trung hỗ trợ phát triển 9 công nghệ trọng tâm liên quan đến bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Một số tập đoàn công nghệ bán dẫn trên thế giới đã đến tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Việt Nam. Điều này thể hiện sự cải thiện lớn về tiềm năng cơ hội thu hút đầu tư cho ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số doanh nghiệp bán dẫn đang xây dựng chương trình đào tạo, cung cấp công cụ cho đào tạo bán dẫn tại các trường đại học và cơ sở giáo dục tại Việt Nam.
Việt Nam phải đối mặt với thách thức trong việc bắt kịp các công nghệ thay đổi nhanh chóng trên thế giới và tiến kịp cùng các quốc gia. Chúng ta phải cạnh tranh gay gắt với các nước để các công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có thể chuyển giao về Việt Nam.
*Góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương, Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (gọi tắt là Đề án 939) không chỉ tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển sự nghiệp, mà còn góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Trong 7 năm thực hiện Đề án, nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo đã được hiện thực hóa bằng việc thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Dù còn một năm nữa mới kết thúc thời gian thực hiện Đề án nhưng đến nay, đã có 4/5 chỉ tiêu hoàn thành, có chỉ tiêu hoàn thành vượt mức gấp 3,4 lần so với mục tiêu đặt ra. Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức đã thu hút hơn 93.000 chị em tham gia với nhiều ý tưởng sáng tạo, đa dạng, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển kinh tế của đất nước.
Trong số này, 87 dự án/ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc đã được lựa chọn trao giải và hỗ trợ thực hiện với tổng kinh phí gần 35 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phố trên toàn quốc tổ chức Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp ở cấp tỉnh; 31/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cuộc thi ở cấp huyện; 34 tỉnh, thành phố thiết lập được Hội doanh nhân nữ, câu lạc bộ/vườn ươm khởi nghiệp. Thông qua Đề án đã huy động xã hội hóa trên 230 tỷ đồng và hỗ trợ kỹ thuật để đào tạo, nâng cao năng lực, kết nối thị trường, chuyên gia.