Khoa học

Các đề tài, dự án khoa học cần giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương

Tuyên Quang

Sáng 26/11, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá kết quả triển khai các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên địa bàn năm 2024.

Sáng 26/11, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá kết quả triển khai các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên địa bàn năm 2024.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến kết quả và các giải pháp trong xây dựng, triển khai các đề tài, dự án; nội dung, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực cần đưa vào danh mục đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh đề xuất thực hiện; dự toán kinh phí thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ...

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghê tỉnh Tuyên Quang chủ trì Hội thảo. 
Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN

Chủ trì đề tài “Nghiên cứu phát triển nguồn dược liệu và sản xuất sản phẩm dược liệu từ cây dừa cạn trồng ở tỉnh Tuyên Quang”, bà Ngô Thanh Huyền cho biết, mục tiêu đề tài là xây dựng mô hình trồng cây dừa cạn quy mô 2 ha tại xã Văn Phú và xã Đồng Quý (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) và tiến tới mở rộng thêm 3 ha; phấn đấu xây dựng mô hình trồng cây dừa cạn đạt chuẩn GACP. Qua đó, phục vụ chế biến dược liệu và bào chế cao dược liệu từ cây dừa cạn, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở khám, chữa bệnh, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy phát trển kinh tế từ mô hình trồng cây dược liệu. Nhóm nghiên cứu đề xuất, các cơ quan chức năng tỉnh chuyển những phần kinh phí còn lại theo quy định để thực hiện dự án; mong muốn nhận được sự hỗ trợ của tỉnh để khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra...

Ông Vũ Đức Tráng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Sông Lô (Tuyên Quang) chia sẻ, thông qua các đề tài, dự án khoa học và công nghệ, đơn vị đã xây dựng được các mô hình sản xuất chè sạch, an toàn, bảo đảm sức khỏe nhân dân và gắn kết được nguồn lực của Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, người lao động...

Ông Vũ Đức Tráng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Sông Lô (Tuyên Quang), tham luận tại Hội thảo. 
Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN

Ngoài ra, đơn vị đã cải tiến và ứng dụng các dây chuyền sản xuất tự động hóa, giảm sức lao động thủ công như: hệ thống băng tải vận chuyển chè, máy tách màu, máy phân loại chè, máy kiểm soát chất nguy hại, hệ thống bảo quản, hệ thống sấy, máy đóng gói tự động… Nhờ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường, đổi mới quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị xuất khẩu, từng bước xây dựng thương hiệu chè Việt trong khu vực và vươn ra thế giới.

Tại đây, các đại biểu ghi nhận kết quả triển khai các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp quốc gia đang thực hiện trên địa bàn tỉnh; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Để công tác triển khai các đề tài, dự án khoa học và công nghệ phát huy hiệu quả, ông Phạm Ninh Thái, Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang đề nghị, thời gian tới, các đề tài, dự án khoa học và công nghệ thực hiện hằng năm phải có tính khả thi, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương, ngành, có khả năng ứng dụng, nhân rộng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sở chủ động phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ kinh phí; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát; đánh giá tiến độ tình hình thực hiện đề tài, dự án của các đơn vị theo quy định. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với thành viên Hội đồng tư vấn tổ chức đánh giá hồ sơ tuyển chọn; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chủ trì hoàn thiện hồ sơ thuyết minh, hồ sơ nghiệm thu đảm bảo thời gian và đạt chất lượng.

Bên cạnh đó, việc cấp phát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề tài, dự án đảm bảo đúng nội dung, đạt yêu cầu về chất lượng, số lượng. Quyết toán kinh phí thực hiện đề tài, dự án hằng năm theo niên độ ngân sách để kịp thời cấp kinh phí năm sau cho các đơn vị chủ trì thực hiện đề tài, dự án đảm bảo hiệu quả. Các tổ chức chủ trì và chủ nhiệm đề tài, dự án bố trí, phân công cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp để thực hiện nội dung cụ thể của từng đề tài, dự án.

Tuyên Quang đang triển khai 55 đề tài, dự án khoa học và công nghệ (45 đề tài, dự án cấp tỉnh và 10 đề tài, dự án cấp quốc gia), bao gồm: 41 đề tài, dự án chuyển tiếp từ các năm trước và 14 đề tài, dự án thuộc danh mục thực hiện từ năm 2024. Các đề tài, dự án tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, khai thác các tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy phát triển du lịch.../.

Hoàng Thanh Hải

Xem thêm