Khoa học

Bảo hộ quyền sở hữu đối với nhãn hiệu

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử, nhãn hiệu có vai trò quan trọng hơn so với kinh doanh trong môi trường thương mại truyền thống.

Đẩy mạnh bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên thương mại điện tử. 
Ảnh minh họa: Phạm Hậu -TTXVN

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử, nhãn hiệu có vai trò quan trọng hơn so với kinh doanh trong môi trường thương mại truyền thống. Các doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm lên bán trên sàn thương mại điện tử phải minh chứng việc nhãn hiệu dùng cho các sản phẩm đó đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký.

Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) tổ chức ngày 22/11, tại Hà Nội. Hội thảo nhằm giới thiệu những vấn đề mới trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng thương mại điện tử hiện nay và sự ra đời, phát triển của Internet đã tạo ra những tác động to lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Internet đặt nền tảng cho sự hình thành nền kinh tế trực tuyến, mà ở đó các chủ thể thương mại giao dịch với nhau không cần gặp trực tiếp.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2024 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD. Xuất khẩu trực tuyến tới người tiêu dùng ở nước ngoài tăng mạnh và sẽ tạo ra xu hướng mới của thương mại điện tử ở Việt Nam. Thương mại điện tử cũng lan tỏa ngày càng sâu vào các ngành như giáo dục, y tế và môi trường. Với quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD, Việt Nam thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Tại hội thảo, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh: Trong nền kinh tế đổi mới sáng tạo toàn cầu, internet đã trở thành một công cụ mang tính cách mạng, khi trao quyền cho người tiêu dùng và doanh nghiệp với những lợi ích của việc kết nối ở mọi cấp độ. Trên cơ sở đó thương mại điện tử cũng được định hình và phát triển, tạo động lực mới cho sự phát triển của kinh tế quốc gia và thế giới.

Khi nói đến thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ là yếu tố cấu thành bị bỏ quên nhiều nhất mặc dù nó mang lại giá trị cao. Thương mại điện tử như bất kỳ nền tảng thương mại nào khác thường liên quan đến việc bán hàng hóa và dịch vụ dựa trên quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, quyền sở hữu trí tuệ đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, đồng thời đây là loại tài sản có giá trị cao được tích hợp vào sản phẩm, dịch vụ lưu thông trong thương mại điện tử. Vì vậy, hội thảo hướng đến giải quyết các thách thức mới nổi trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại điện tử, cụ thể là thực tiễn hoạt động bảo hộ, bảo vệ và quản lý quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam và Nhật Bản.

Bà Hirota Kaori, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu chống hàng giả, Văn phòng hỗ trợ thương mại nước ngoài, Ban Hợp tác quốc tế Cơ quan Sáng chế Nhật Bản nhấn mạnh: Thông qua hội thảo, hai bên đã nêu thực tiễn hoạt động quản lý và thực thi quyền đối với nhãn hiệu của Nhật Bản và Việt Nam hiện nay, cũng như những nỗ lực của Nhật Bản trong thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử.

Hai bên cũng trao đổi quy định pháp luật, thực tiễn về kiểm soát và xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử ở Việt Nam; những khó khăn, thách thức trong thực thi quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam – thông qua các vụ việc thực tế. Trên cơ sở đó, những giải pháp được đề xuất sẽ thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân nói chung, quyền đối với nhãn hiệu nói riêng trên nền tảng thương mại số./.

PV

Xem thêm