Khoa học

Bắt kịp thực tiễn trong hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng nguyên tử

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập, tham gia sâu vào các cơ chế đa phương, hoàn thiện chính sách, pháp luật năng lượng nguyên tử trở nên ngày càng cần thiết nhằm đảm bảo thực thi các cam kết và nghĩa vụ quốc gia của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái chủ trì hội thảo Ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 
Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Tại Kỳ họp thứ 3 ngày 3/6/2008, Luật Năng lượng Nguyên tử (Luật số 18/2008/QH12) đã được Quốc hội Việt Nam khóa XII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Đây là đạo luật điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập, tham gia sâu vào các cơ chế đa phương, hoàn thiện chính sách, pháp luật năng lượng nguyên tử trở nên ngày càng cần thiết nhằm đảm bảo thực thi các cam kết và nghĩa vụ quốc gia của Việt Nam.

*Chính sách chưa bắt kịp thực tiễn

Đánh giá về quá trình triển khai Luật Năng lượng Nguyên tử, ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, quá trình thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho thấy, một số chính sách, quy định pháp luật về năng lượng nguyên tử còn hạn chế về yêu cầu quản lý, sự đồng bộ với một số Luật mới ban hành và sự phù hợp với các yêu cầu, hướng dẫn mới của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Bên cạnh đó, chính sách về năng lượng nguyên tử chưa đáp ứng, theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện các điều ước quốc tế đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật năng lượng nguyên tử bảo đảm nội luật hóa, thực hiện nghĩa vụ và cam kết quốc tế quy định tại điều ước quốc tế.

Từ năm 2010, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân như Công ước về An toàn hạt nhân; Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phần sửa đổi của Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân; Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định Thanh sát Việt Nam - IAEA; Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ; Công ước về Trấn áp các hành vi khủng bố hạt nhân)... Việc triển khai thực hiện các cam kết và các điều ước quốc tế đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật năng lượng nguyên tử. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) theo hướng đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn, an ninh, thanh sát và không phổ biến hạt nhân, bồi thường hạt nhân, quản lý nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ và ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân. Đồng thời, dự báo sự phát triển của năng lượng nguyên tử như tái khởi động chương trình điện hạt nhân, điện hạt nhân nổi, sử dụng số hóa trong quản lý...

Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân cho biết thêm, Thế kỷ XX đã mở ra kỷ nguyên của ứng dụng năng lượng nguyên tử từ việc tạo ra nguồn năng lượng mới cho đến việc ứng dụng bức xạ phục vụ cuộc sống, điển hình trong lĩnh vực y tế như: Điện quang, y học hạt nhân, xạ trị, thuốc phóng xạ... Trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp như: Chiếu xạ, chụp ảnh phóng xạ, đo mật độ, bề dày vật chất, đột biến, kích thích sinh trưởng... Hiện nay, theo thống kê, cả nước có hơn 1.900 cơ sở bức xạ. Một số cơ sở hạt nhân trực thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam trong đó, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đang quản lý, vận hành an toàn Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất 500kW ứng dụng cho các nghiên cứu vật lý hạt nhân, vật lý bức xạ, kỹ thuật phân tích hạt nhân và đặc biệt sản xuất một số đồng vị phóng xạ cho y tế. Việt Nam cũng đang triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu đa mục tiêu công suất 10MW. 

* Phát triển ngành năng lượng nguyên tử phù hợp quốc tế

Phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ tiếp tục khẳng định chính sách coi trọng ứng dụng năng lượng nguyên tử. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 22/1/2021.

Đánh giá những ứng dụng năng lượng nguyên tử có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai công tác lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các mục tiêu đến năm 2030 tập trung các nội dung: Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử được hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế; Hệ thống các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được quy hoạch tinh gọn, nâng cấp về cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng nhân lực, hoạt động có hiệu quả, liên kết; Dự án trọng điểm đã được phê duyệt triển khai đúng tiến độ; một số lĩnh vực khoa học và công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử có thế mạnh vươn lên đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; Các hoạt động ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ được triển khai rộng rãi, hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực, góp phần tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn, an ninh.

Quy hoạch cũng nêu các định hướng tầm nhìn đến năm 2050 gồm: Ứng dụng năng lượng nguyên tử có đóng góp quan trọng và hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, bảo đảm an toàn, an ninh; Trình độ khoa học và công nghệ hạt nhân và nhiều lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử đạt mức trung bình của các quốc gia phát triển...

Việt Nam bước sang một giai đoạn mới của phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, khoa học và công nghệ nói chung và lĩnh vực khoa học công nghệ hạt nhân nói riêng cần được đẩy mạnh hơn nữa cũng như cần sự hợp tác chặt chẽ, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để đưa ứng dụng của năng lượng nguyên tử tham gia vào giải quyết những yêu cầu đặt ra trong thực tiễn cuộc sống, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước./.

PV

Xem thêm