Huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là căn cứ quan trọng giúp tỉnh vừa hiện thực hóa khát vọng phát triển mở rộng không gian hướng biển, vừa tạo cơ sở để để bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học.
Với hơn 52 km bờ biển, tỉnh Thái Bình có lợi thế lớn về phát triển kinh tế biển. Đây là nơi sinh kế của hàng ngàn người dân địa phương nhiều năm qua đồng thời tạo thuận lợi cho phát triển rừng ngập mặn, góp phần quan trọng đối với hệ sinh thái và môi trường, ngăn gió, sóng, bão cho vùng ven bờ. Đặc biệt, việc địa phương thực hiện xác lập rõ vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là căn cứ quan trọng giúp tỉnh vừa hiện thực hóa khát vọng phát triển mở rộng không gian hướng biển theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vừa tạo cơ sở để tập trung các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn góp phần chung tay bảo vệ môi trường.
Với ý nghĩa đó, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có bài phỏng vấn ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về ý nghĩa, quá trình xác lập và quan điểm của tỉnh về Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
* Phóng viên: Quá trình xác lập vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được tỉnh Thái Bình triển khai như thế nào, thưa ông?
* Ông Lại Văn Hoàn: Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình luôn tuân thủ mục đích, tôn chỉ và các quy định của Công ước Ramsar, Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng được UNESCO công nhận năm 2004. Tỉnh coi trọng công tác bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho người dân ven biển. Ngày 6/9/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 2514/QĐ-UBND thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy với diện tích 6.560 ha để bảo tồn hệ sinh thái vùng đất ngập nước ven biển; bảo tồn loài - sinh cảnh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước.
Với mong muốn tập trung phát triển rừng trên các diện tích bãi triều nhằm giữ đất, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân, hướng tới hình thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, ngày 26/9/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 2159/QĐ-UBND phê duyệt Đề án và xác lập khu rừng đặc dụng có diện tích 12.500 ha với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Tuy vậy phạm vi, ranh giới, quy mô của khu bảo tồn này chỉ mang tính chất định tính, chưa được xác định bằng các biện pháp nghiên cứu đo đạc cụ thể. Trong đó, diện tích tạm tính ban đầu của khu rừng là 12.500 ha được kế thừa số liệu diện tích từ 5 nguồn dữ liệu khác nhau (gồm Quyết định số 660/KH ngày 04/10/1995 của Bộ Lâm nghiệp, tại mực nước biển ở cao trình 0,00 m là 12.500 ha; Nghị quyết số 39/NQ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ, diện tích là 3.245 ha; Quyết định số 467/QĐ-UBQG UNESCO ngày 26/7/2013 được UNESCO công nhận là 7.067 ha thuộc vùng lõi 2 Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 là 3.245 ha; Quyết định số 1413/QĐ-UBND ngày 16/6/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình 2012-2020 là 3.583,4 ha). Bên cạnh đó, vị trí và ranh giới khu rừng chưa có sự đồng nhất, trong đó vị trí theo tọa độ địa lý và vị trí theo mô tả bằng lời không trùng khớp, không có bản đồ kèm theo. Bởi vậy, việc xác lập vị trí, ranh giới, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo đúng các Quy hoạch đã được phê duyệt như Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung Khu Kinh tế Thái Bình…
Để thực hiện nhiệm vụ đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã thực hiện các trình tự, thủ tục đảm bảo theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và xác định vị trí địa lý, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải”. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải, đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan thực hiện xây dựng hồ sơ nhiệm vụ nêu trên theo quy định của Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Nghị định số 66/2019/NĐ-CP, ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; tổ chức lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành có liên quan và lấy ý kiến của cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong hoặc tiếp giáp khu vực dự kiến thành lập Khu bảo tồn. Sở tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức họp Hội đồng thẩm định kết quả nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và xác định vị trí địa lý, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải” (Hội đồng thẩm định có sự tham gia của thành viên đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và lấy ý kiến chuyên gia.
* Phóng viên: Ông có thể cho biết, qua điều tra, đánh giá và thực hiện các biện pháp đo đạc khảo sát thực địa, bảo đảm tuân thủ trình tự, quy định của pháp luật cũng như các Quy hoạch đã được phê duyệt, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác lập như thế nào?
* Ông Lại Văn Hoàn: Kết quả thực hiện nhiệm vụ đã xác định quy mô, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải vẫn giữ nguyên diện tích 12.500 ha theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND, ngày 26/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình; vị trí, quy mô và diện tích phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết số 138/NQ-CP, ngày 25/10/2022 của Chính phủ và Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác định nằm ở vùng ngoài đê số 5, số 6 của huyện Tiền Hải, phía Bắc giáp với vùng cửa Trà Lý và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ; phía Nam giáp cửa Ba Lạt và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ; phía Tây giáp với khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ, khu lấn biển và khu quy hoạch phố biển Đồng Châu; phía Đông giáp với biển Đông.
Ranh giới Khu bảo tồn được xác định bằng 33 điểm tọa độ với tổng diện tích 12.500 ha; trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 2.726 ha, phân khu phục hồi sinh thái 9.774 ha. Vùng đệm của Khu bảo tồn với diện tích 3.446,5 ha được xác định bằng 40 điểm tọa độ, có khoảng cách 1.000 m tính từ ranh giới Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Hoạt động quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được thực hiện theo Quy chế quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Bình tại Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 05/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 20/8/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh về việc xác lập vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải và các quy định của pháp luật có liên quan.
* Phóng viên: Việc xác lập vị trí, ranh giới và diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương. Vậy quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh Thái Bình với Khu bảo tồn này như thế nào, thưa ông?
* Ông Lại Văn Hoàn: Quan điểm xuyên suốt, thống nhất của tỉnh Thái Bình trong thực hiện các mục tiêu phát triển là kết hợp hài hòa phát triển kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tỉnh cam kết thực hiện đúng quy định các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thái Bình xác định mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái vùng đất ngập nước ven biển Tiền Hải, bảo tồn loài - sinh cảnh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững; bảo đảm tính kết nối với các sinh cảnh liên kết. Việc phát triển kinh tế biển, tạo không gian kinh tế mới hướng biển bảo đảm thực hiện theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1486/QĐ-TTg, ngày 28/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Để thực hiện tốt việc bảo tồn, phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, chỉ đạo trực tiếp Ban Quản lý Khu bảo tồn. Các sở, ban, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ Ban Quản lý Khu bảo tồn thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu; phối hợp và hỗ trợ Ban Quản lý Khu bảo tồn quản lý khách du lịch, đặc biệt khách quốc tế trong quá trình điều hành các chuyến du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học ở khu vực. Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ về chuyên môn, nguồn lực, chương trình dự án, huy động nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, người dân chung tay bảo tồn.
Cùng với Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy đã được thành lập năm 2019, việc xác lập vị trí, ranh giới, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Bình và nhân dân địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng các Quy hoạch của Quốc gia, Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Từ các tiềm năng, lợi thế của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, Thái Bình quyết tâm khắc phục những khó khăn, hạn chế, tận dụng những cơ hội phát triển mới có tính đột phá để xây dựng tỉnh trở thành địa phương phát triển trong khu vực, tập trung bảo tồn đa dạng sinh học; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững; bảo đảm tính kết nối với các sinh cảnh liên kết, góp phần đảm bảo sinh kế của người dân địa phương./.
- Từ khóa:
- Thái Bình
- bảo tồn
- đa dạng
- sinh học
- kinh tế biển