Các địa phương đã chủ động làm mới sản phẩm du lịch, trang hoàng, chỉnh trang khu, điểm du lịch, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc thu hút du khách.
TTXVN - Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 31/1 cho biết: Lượng khách du lịch nội địa tháng 1/2023 của Việt Nam ước đạt 13 triệu lượt người, trong đó có khoảng 4,5 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch tháng 1/2023 ước đạt 46 nghìn tỷ đồng.
Riêng 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết, tức ngày 21-26/1), toàn quốc ước phục vụ 9 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 47,5% so với dịp Tết Nhâm Dần 2022). Trong đó, số khách lưu trú ước đạt 2 triệu lượt khách, công suất phòng trung bình ước đạt 40 - 45%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng.
Các địa phương đã chủ động làm mới sản phẩm du lịch, trang hoàng, chỉnh trang khu, điểm du lịch, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc thu hút du khách, làm nổi bật đặc trưng văn hóa của từng địa phương.
Mặt khác, sự chủ động chuẩn bị và tổ chức nhiều sự kiện có quy mô lớn của địa phương, trung tâm du lịch, đặc biệt là sự đồng hành của doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thúc đẩy nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan của du khách dịp đầu năm. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ phục vụ khách đã chủ động thực hiện nghiêm việc bình ổn giá, bán theo giá niêm yết, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, tạo ấn tượng xấu với du khách. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và đã hoàn toàn vượt qua khó khăn sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo Tổng cục Du lịch, tín hiệu bắt đầu quay trở lại Việt Nam của khách quốc tế cũng chứng tỏ hướng đi đúng đắn, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách và chủ động làm mới sản phẩm của mình.
Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022). Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là trong 3 nước có mức tăng trưởng cao nhất. Với việc nhận được 16 giải thưởng du lịch tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương đã tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định: Sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch không chỉ do nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao sau COVID-19 mà còn là nỗ lực của toàn ngành du lịch trong việc phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh liên kết. Các hoạt động đó đã mang đến chương trình du lịch hấp dẫn, giá thành hợp lý cho du khách. Chính phủ cũng đã rất linh hoạt về chính sách, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch.
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch (trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa), tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng./.
- Từ khóa:
- Thị trường du lịch
- nội địa
- phục hồi
- sôi động