Thành phố Hồ Chí Minh: Tiếp tục tái cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung ưu tiên
6 tháng cuối năm 2025, Thành phố tiếp tục tái cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung ưu tiên như: Công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao...
Chiều 24/7, tại Kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 20 nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong nhiều năm tới.
* Tiếp tục tái cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung ưu tiên
Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thành phố Hồ Chí Minh với tổ chức không gian phát triển mới rộng lớn hơn, hình thành một siêu đô thị - hạt nhân động lực tăng trưởng của quốc gia, có sức lan tỏa, cạnh tranh toàn cầu; vị trí, vai trò của Thành phố càng trở nên đặc biệt quan trọng. Vì vậy, đặt ra yêu cầu Thành phố phải nêu cao tính chủ động, tiên phong, đi đầu trong cải cách thể chế, tổ chức lại bộ máy, đổi mới, nâng cao năng lực quản trị địa phương và năng lực cạnh tranh quốc gia
Trước những yêu cầu, thách thức mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thanh Nghị đề nghị Thành phố tiếp tục quan tâm triển khai bộ máy chính quyền đại phương hai cấp theo hướng tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ tại 168 xã phường, đặc khu Côn Đảo và 15 sở, ngành, đảm bảo ổn định, thông suốt phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tốt nhất có thể. Thành phố cần nhanh chóng rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch thành phố (Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội) và quy hoạch chung; rà soát các cấp độ quy hoạch đảm bảo, thống nhất, phù hợp.
Thành phố cần tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thông minh; trong đó, tập trung cho hạ tầng giao thông đô thị, kết nối các khu vực và kết nối vùng theo hướng đa phương thức, đa phương tiện để khai thác hiệu quả đặc trưng Thành phố. Đặc biệt, chú trọng hạ tầng công nghệ, hạ tầng số, trung tâm dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước, kết nối thông suốt chính quyền địa phương hai cấp; phát triển hạ tầng cảng biển, cảng hàng không Côn Đảo; hạ tầng năng lượng; hạ tầng kỹ thuật đô thị như quan tâm các dự án chống ngập, thoát nước, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính; đầu tư mạnh mẽ hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch...
"Thành phố cần tập trung phát triển nhà ở xã hội; đẩy nhanh đề án chỉnh trang đô thị, di dời, bố trí nhà ở trên và ven sông, kênh, rạch; tập trung đầu tư, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm kết hợp với hệ sinh thái tài chính ngân hàng hiện hữu; nâng tầm và mở rộng Trung tâm Logistic thành phố với thế mạnh cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải gắn với kết nối với các cảng hiện hữu, xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành hệ thống cảng hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế", ông Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Nhất trí với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2025, ông Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu Thành phố tiếp tục tái cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung ưu tiên như: Công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là tập trung cụ thể hóa và triển khai phù hợp với thực tiễn thành phố theo 4 nghị quyết trụ cột chiến lược của Bộ Chính trị.
Để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, ông Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu Thành phố tập trung, tăng tốc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (trên 8,5%); đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm 2025, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công Thủ tướng giao; khẩn trương hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các dự án giao thông, công trình trọng điểm. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện và hoàn thành các dự án chào mừng đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 gắn với tập trung tháo gỡ các dự án tồn đọng để sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư, tránh để lãng phí thất thoát...
* Đổi mới tư duy, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển
Tại phiên thảo luận, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Trần Thành Trọng đề xuất, Thành phố cần tổ chức sắp xếp cho cán bộ, người lao động đi lại, ăn ở, làm việc thuận tiện hơn để an tâm công tác. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức nhất là đảng viên phát huy vai trò trách nhiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.
Ông Trọng cũng đề xuất Thành phố quan tâm rà soát các tồn đọng kéo dài, nhất là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý triệt để các trường hợp lạm dụng quỹ bảo trì chung cư; chú trọng phát triển các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; khuyến khích các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài sử dụng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Về quy định cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với chủ đầu tư khi tham gia dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố, đại biểu Lê Đình Thắng đề xuất Thành phố cần nghiên cứu, rà soát đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng. Cùng với đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan để giải quyết đồng bộ các vướng mắc, tháo gỡ kịp thời các đề xuất của nhà đầu tư trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, thẩm định và phê duyệt dự án.
"Thành phố cần công khai, minh bạch thông tin dự án; có thể xem xét chỉ định nhà đầu tư đủ điều kiện và năng lực, để rút ngắn quy trình thủ tục lựa cho nhà đầu tư theo quy định pháp luật; hoàn thiện các nền tảng số hóa trong quản lý dự án; hỗ trợ chủ đầu tư thỏa thuận giải phóng mặt bằng, qua đó thúc đầy việc thực hiện các dự án được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn", ông Thắng chia sẻ.
Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, đại biểu Trần Thị Diễm Trinh đề nghị Thành phố quan tâm đầu tư dự án đường ven sông Sài Gòn, bố trí vốn cho giao thông, thủy lợi để phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp, vườn cây ăn trái của nông dân. Đồng thời, đề xuất hỗ trợ giáo dục nhất là trẻ em đặc biệt có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hộ gia đình khó khăn về đất để xây dựng nhà ở khu vực Bình Dương (cũ).
* Phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đề xuất Thành phố đẩy nhanh các dự án chậm triển khai, đầu tư nâng cấp tuyến đường giao thông nông thôn; chú trọng các vấn đề về an toàn thực phẩm, hàng gian, hàng giả; triển khai hiệu quả hơn nữa trong việc thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh...
Trả lời các vấn đề trên, lãnh đạo các sở, ngành thành phố đã tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu và chia sẻ những vướng mắc, những vấn đề liên quan.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho biết, hiện Thành phố đã có kế hoạch về công tác cán bộ, chế độ phụ cấp đi lại, động viên phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm theo quy định; phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Về mục tiêu tăng trưởng 2 con số, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Thành phố đã và đang tạo cơ chế, phân cấp, phân quyền, ủy quyền, phát huy năng lực từng tổ chức, cá nhân; đồng thời kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức tập trung nỗ lực vượt khó, đồng lòng để không chỉ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà còn sớm đưa Thành phố đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số./.
- Từ khóa:
- Thành phố Hồ Chí Minh
- HĐND
- nghị quyết