Quốc hội với Cử tri

Tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng, khai thác các khu, cụm công nghiệp tại Hòa Bình

Hòa Bình

Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế hoạt động của các đơn vị sản xuất trong Khu công nghiệp Thanh Hà; đồng thời, nắm bắt tình hình hoạt động của các dự án đang triển khai tại các khu, cụm công nghiệp.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình làm việc với UBND huyện Lạc Thủy.
 Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Trong hai ngày 19-20/8, Đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình do bà Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn đã thực hiện giám sát về việc triển khai xây dựng, quản lý, khai thác các khu, cụm công nghiệp, giai đoạn từ năm 2017 - 2023 trên địa bàn huyện Lạc Thủy và thành phố Hòa Bình.

Trên địa bàn huyện Lạc Thủy có 7 cụm công nghiệp được đưa vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng diện tích 398,12 ha; 5 cụm công nghiệp được đưa vào quy hoạch phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với tổng diện tích được quy hoạch là 282,25 ha. Đến nay, 4 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, gồm: Cụm công nghiệp Thanh Nông; Phú Thành II; Đồng Tâm; Môi trường công nghệ cao Hòa Bình cùng với đó là Khu công nghiệp Thanh Hà có tổng diện tích khoảng 282 ha, tổng mức đầu tư trên 2.500 tỷ đồng.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình giám sát tại Công ty cổ phấn bao bì Nakata Việt Nam tại khu công nghiệp Phú Thành huyện Lạc Thủy. 
Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế hoạt động của các đơn vị sản xuất trong Khu công nghiệp Thanh Hà; đồng thời, nắm bắt tình hình hoạt động của các dự án đang triển khai tại các khu, cụm công nghiệp.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện Lạc Thủy cùng các nhà đầu tư dự án các khu, cụm công nghiệp kiến nghị Đoàn giám sát xem xét, báo cáo, đề xuất với các cấp có thẩm quyền một số nội dung liên quan đến thực hiện cơ chế chuyển giao các cụm công nghiệp được đầu tư từ ngân sách cho doanh nghiệp quản lý, khai thác; hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Tỉnh ủy Hòa Bình có chủ trương giao UBND tỉnh có phương án đối với các đơn vị được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP; UBND tỉnh bố trí nguồn lực tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp theo Nghị quyết số 67/2027/NĐ-HĐND của HĐND tỉnh…

Bà Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Lạc Thủy. 
Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Dịp này, Đoàn giám sát tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng, quản lý, khai thác các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại huyện Lạc Thủy; phân tích những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và hiệu quả thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Trong thẩm quyền, các thành viên Đoàn giám sát đã giải đáp một số vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của huyện và có những gợi mở, định hướng để huyện có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Tiếp tục chương trình giám sát, ngày 20/8, Đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức thực tế giám sát việc triển khai xây dựng, quản lý, khai thác các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hòa Bình.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình làm việc với UBND thành phố Hòa Bình. 
Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Theo báo cáo tình hình triển khai xây dựng, quản lý, khai thác các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hòa Bình giai đoạn 2017 - 2023, hiện có 5 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 290,78 ha. Chính quyền thành phố đang rà soát, đề nghị điều chỉnh, bổ sung các cụm công nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn thành phố, dự kiến sẽ có quy hoạch 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 408 ha.

Từ năm 2017 đến tháng 6/2024, tại địa bàn thành phố có 4 cụm công nghiệp được thành lập và đã có chủ đầu tư hạ tầng gồm: Chăm Mát - Dân Chủ; Yên Mông; Thịnh Minh 1; Tiên Tiến. Các cụm công nghiệp này đã giải phóng mặt bằng được 238 ha, triển khai đầu tư một số công trình thiết yếu với tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 389 tỷ đồng. Trong số này, nổi bật là cụm công nghiệp Tiên Tiến, đến nay đã cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, có 17 doanh nghiệp đầu tư ký hợp đồng thuê mặt bằng và hợp đồng nguyên tắc để xây dựng nhà xưởng, nhà máy với diện tích 31,93 ha; tỷ lệ lấp đầy trên 67%.

Trên địa bàn thành phố hiện có 3 khu công nghiệp, gồm: Bờ trái Sông Đà, Yên Quang, Bình Phú; tổng diện tích được quy hoạch khoảng 463 ha. Trong đó, khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà đến năm 2023 đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp; 2 khu công nghiệp còn lại đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng và đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Đoàn giám sát tại dự án Khu công nghiệp Bình Phú. 
Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

UBND thành phố và các chủ đầu tư cũng kiến nghị một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư... Trong thẩm quyền, các thành viên Đoàn giám sát đã giải đáp một số vướng mắc, đề xuất, kiến nghị và có những trao đổi thẳng thắn về giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.

Tại hai buổi giám sát, các đại biểu tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế chủ yếu trong thực hiện công tác quy hoạch; đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng; thực hiện các thủ tục pháp lý; kết quả xây dựng hạ tầng; huy động nguồn lực đầu tư; hiệu quả phối hợp giữa chủ đầu tư và các sở, ngành, địa phương…

Bà Đặng Bích Ngọc, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả nổi bật trong xây dựng, quản lý, khai thác các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hòa Bình và huyện Lạc Thủy từ năm 2017 đến nay. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố Hòa Bình, UBND huyện Lạc Thủy và các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp để nâng cao hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác tái định cư, đền bù, giải phóng mặt bằng…; chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, chú trọng thực hiện các chính sách bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của UBND thành phố Hòa Bình, UBND huyện Lạc Thủy và các nhà đầu tư. Bà Đặng Bích Ngọc giao bộ phận chuyên môn của Đoàn giám sát có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ kiến nghị, sớm hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội, các bộ, ngành chức năng xem xét giải quyết theo thẩm quyền và đúng quy định./.

Lưu Trọng Đạt

Xem thêm