Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Phải bảo đảm quyền làm việc và tạo thuận lợi cho người lao động
Mục tiêu của Luật Việc làm là thị trường lao động hoạt động hiệu quả và người lao động quay lại thị trường nhanh nhất.
Chiều 6/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Đây là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các cấp, ngành tỉnh, thành phố phía Nam trao đổi, thảo luận điều chỉnh dự án Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm bảo đảm quyền làm việc theo quy định; tạo thuận lợi để mọi người lao động được tham gia và thụ hưởng các chính sách, chế độ.
Tại Hội thảo, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, đây là buổi đầu tiên cơ quan này tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự án Luật. “Tuy nhiên, mục tiêu của Luật Việc làm là thị trường lao động hoạt động hiệu quả và người lao động quay lại thị trường nhanh nhất cũng như đảm bảo để gắn bó chặt chẽ với các chính sách an sinh xã hội. Do đó, mọi rào cản, thủ tục để họ rời xa chính sách, khó khăn trong việc tiếp cận hay họ lạm dụng chính sách thì cần phải xem xét, điều chỉnh”, ông Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.
Khái quát về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh 4 nhóm chính sách dự án Luật lần này tập trung sửa đổi gồm: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai đề xuất, dự án Luật cần có cơ chế liên thông giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm và Bảo hiểm xã hội. Bởi hai đơn vị này làm việc với nhau hàng ngày nhưng không có cơ chế liên thông, kết nối dẫn đến tình trạng người vừa có việc làm nhưng vẫn vừa thụ hưởng bảo hiểm thất nghiệp phổ biến trong thời gian qua.
Đi vào cụ thể việc sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp nhằm hướng tới việc hỗ trợ, duy trì tốt hơn việc làm cho người lao động, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương kiến nghị, tại điểm đ, Khoản 3, Điều 90 cần giải quyết hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng để khuyến khích người lao động có tay nghề làm việc lâu dài. Tại điểm b,c,h Khoản 1, Điều 105 cần tăng thêm thời gian (hơn 3 ngày) để người lao động khai báo trường hợp: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên khi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Ngoài ra, cần xem xét lại quy định về nộp hồ sơ trực tuyến (trong Luật không quy định) như: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và thông báo tìm việc làm; chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bởi điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp”, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương chia sẻ.
Tại Hội thảo, nhiều nội dung được các đại biểu quan tâm như: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm, các điều kiện vay vốn; đăng ký và quản lý lao động; bảo hiểm thất nghiệp…/.
- Từ khóa:
- Quốc hội
- Dự thảo
- Luật Việc làm