Chính sách giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp đỡ người dân từng bước thoát khỏi khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả đã được áp dụng trong tuyên truyền, phổ biến chính sách về giảm nghèo, giúp người dân nắm bắt thông tin, từ đó thay đổi nhận thức, vươn lên thoát nghèo bền vững.
*Đa dạng thông tin
Minh Long là huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Ngãi, có khoảng 70% dân số là người dân tộc thiểu số sinh sống. Với địa hình nhiều đồi núi nên các thôn, xóm nằm cách xa nhau, rất khó khăn trong phủ sóng phát thanh khiến người dân khó nắm bắt thông tin tuyên truyền quan trọng của Đảng, Nhà nước và địa phương.
Để khắc phục khó khăn, huyện Minh Long đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đầu tư lắp đặt 25 cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại các xã Long Hiệp, Long Mai và Long Môn. Sau một thời gian triển khai, hệ thống truyền thanh mới đã nhận được sự đánh giá tích cực của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi của huyện. Điều này đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về vị trí, vai trò, trách nhiệm của bản thân trong công cuộc giảm nghèo.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Mai Trần Văn Lịch cho biết, hiện các thôn trên địa bàn xã đã có Internet, phủ sóng mạng 4G và 7 cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Qua đó, giúp người dân dễ dàng hơn trong tiếp cận thông tin, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cũng như bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. “Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, địa phương tập trung tuyên tuyền các chính sách như: Vay vốn, trao sinh kế, xây dựng nhà ở, hướng dẫn trồng rừng, chăn nuôi để bà con cùng học tập, trao đổi, từ đó áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi”, ông Lịch cho hay.
Đầu năm 2023, gia đình chị Đinh Thị Thả, xã Long Mai, được chính quyền hỗ trợ kinh phí xây dựng ngôi nhà mới khang trang; đồng thời được các hội, đoàn thể hỗ trợ lợn giống làm sinh kế. “Các cán bộ địa phương thường xuyên đến hướng dẫn tôi cách chăm sóc, phòng bệnh cho lợn. Mình cũng tự tìm kiếm các thông tin hữu ích về cách chăn nuôi, trồng trọt thông qua báo đài, mạng xã hội... Nhờ đó, sau lứa lợn thứ nhất thành công, mình đã tái đàn và mở rộng quy mô chăn nuôi”, chị Thả chia sẻ.
Để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông và giảm nghèo, huyện Minh Long chú trọng đưa văn hóa thông tin về cơ sở, quan tâm vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đa dạng hóa hoạt động truyền thông giúp người nghèo, nhất là các hộ dân tộc thiểu số tiếp cận chính sách giảm nghèo. Huyện huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo đúng mục đích, có hiệu quả; đào tạo nghề bằng nhiều hình thức, bảo đảm chất lượng dạy nghề, giới thiệu việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Minh Long Nguyễn Thị Thanh Hòa cho hay: Thực tế cho thấy, muốn giảm nghèo thì phải thay đổi nhận thức của người dân, để họ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, huyện Minh Long đã tăng cường công tác tuyên truyền, luôn gần dân để nắm bắt tâm tư, tình cảm, ghi nhận những đề xuất của người dân, từ đó hỗ trợ đúng, trúng, phù hợp, giúp họ vươn lên thoát nghèo.
*Giảm nghèo bền vững
Tại xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, bên cạnh các dự án hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương còn triển khai nhiều giải pháp mang lại hiệu quả cao, như mô hình “Làm theo Bác”, “Kết nối tình quê”,... Thông qua các mô hình, mỗi thôn giúp đỡ 1 hộ nghèo phát triển kinh tế; Ủy ban nhân dân xã đỡ đầu 2 trẻ mồ côi; mỗi năm xây mới 1 ngôi nhà tình nghĩa và trao con giống cho hộ nghèo, cận nghèo,...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Hòa Nguyễn Đức Thịnh cho biết: Địa phương tập trung hướng dẫn hộ nghèo về kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo; nêu các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong xã hội. Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng nâng cao, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại mà có tinh thần trách nhiệm khi được nhận hỗ trợ, nỗ lực vươn lên. Đến nay, xã còn 32 hộ nghèo, 56 hộ cận nghèo, chiếm tương ứng 1,54% và 2,7% tổng số hộ. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 54 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh việc tập trung đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, xã Bình Dương còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, hăng say lao động sản xuất. Nhờ đó, đến nay địa phương chỉ còn 43 hộ nghèo, chiếm 1,71% tổng số hộ; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 68 triệu đồng/người/năm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Dương Nguyễn Quốc Đạt cho biết, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hơn nữa đời sống cho người dân, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có thể thấy, chính sách giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp đỡ người dân từng bước thoát khỏi khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Bình Sơn chỉ còn 2,09%. Địa phương phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,29% và giảm 2,2% hộ cận nghèo.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Sơn Phạm Quang Sự cho hay: Để đạt mục tiêu này, thời gian tới, huyện tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực xã hội; lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là đào tạo nghề gắn với các dự án vay vốn ưu đãi cho người nghèo; tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Đồng thời, huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân, phát huy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững./.
- Từ khóa:
- Chính sách giảm nghèo
- Tuyên truyền
- Phổ biến