Sức khỏe

Nâng cao năng lực số cho tuyến y tế cơ sở

Dự án "Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam" đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi số ngành y tế, góp phần thu hẹp khoảng cách y tế giữa các khu vực và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Dự án "Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam" do Bộ Y tế phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã triển khai từ tháng 11/2024. Bác sĩ Tạ Văn Nam, Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn chia sẻ, được thụ hưởng dự án, chúng tôi cảm thấy như đem củi sưởi ấm ngày đông cho đồng bào tỉnh Bắc Kạn trong công tác chăm sóc sức khỏe ngay tại tuyến cơ sở.

Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi số ngành y tế, góp phần thu hẹp khoảng cách y tế giữa các khu vực và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện. Với sự hỗ trợ về hạ tầng công nghệ và chuyên môn, dự án tạo nền tảng cho việc triển khai hiệu quả các chính sách y tế, đặc biệt là Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thăm khám trực tuyến có sự tham gia của các y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện 199.
Ảnh: TTXVN phát

*Quản lý sức khỏe nhân dân trên môi trường số

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), trong bối cảnh giãn cách do đại dịch COVID-19, ngay từ năm 2020, Bộ Y tế đã triển khai đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế và khai trương trên 1.000 điểm cầu.

Đề án triển khai đã cứu sống được hàng nghìn người bệnh COVID-19 nặng, trong đó có cả các người bệnh là người nước ngoài. Đến nay Đề án đang được tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa trên toàn quốc.

Để việc triển khai hoạt động khám, chữa bệnh từ xa được chuẩn hóa, Bộ Y tế đã trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023, trong đó có Điều 80 quy định về khám, chữa bệnh từ xa và được hướng dẫn tại Điều 87, Nghị định 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Sau đó Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 30/2023/TT-BYT về Danh mục bệnh và tình trạng bệnh được khám, chữa bệnh từ xa và có các hướng dẫn khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở.

“Từ năm 2020, nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở và cải thiện tiếp cận của người dân và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu vùng xa với dịch vụ y tế chất lượng cao, với mục tiêu "Không để ai bị bỏ lại phía sau", UNDP đã đồng hành cùng Bộ Y tế phát triển và thực hiện chương trình tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" tại 8 tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Cà Mau và đạt được những kết quả tích cực”, Tiến sĩ Hà Anh Đức thông tin.

Từ những kết quả tích cực của chương trình phối hợp này, Bộ Y tế đã phối hợp với KOFIH Hàn Quốc và thông qua UNDP để huy động nguồn lực với tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại là trên 2,3 triệu USD thực hiện Dự án: "Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam" tại 10 tỉnh khó khăn, vùng sâu,vùng xa: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Tây Ninh, Hậu Giang, Bến Tre và Cà Mau, nhằm quản lý sức khỏe nhân dân trên môi trường số và nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao cho người dân.

*Xóa bỏ rào cản tiếp cận chăm sóc sức khoẻ

Theo Tiến sĩ Hà Anh Đức, dự án được triển khai từ nay đến hết năm 2026 với mục tiêu nâng cao sức khỏe của các nhóm yếu thế tại Việt Nam thông qua việc tăng cường tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chất lượng tốt cho người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người sinh sống tại khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường chuyển đổi số trong dịch vụ y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở.

“Dự án cung cấp về mặt hạ tầng đảm bảo đường truyền, máy tính phục vụ khám chữa bệnh từ xa; cùng đó xây dựng phần mềm bác sĩ cho mọi người”, Tiến sĩ Hà Anh Đức nhấn mạnh.

Dự án tập trung 10 tỉnh có địa hình khó khăn nêu trên là những tỉnh giao thông vẫn còn khó khăn, vì thế việc tiếp cận y tế nói chung, y tế cơ sở nói riêng của đồng bào còn hạn chế. Do đó hình thức khám chữa bệnh từ xa với việc áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần xóa bỏ rào cản tiếp cận đối với đồng bào vùng sâu vùng xa.

Năm 2023, Ban Bí thư đã có Chỉ thị 25 về nâng cao y tế cơ sở trong tình hình mới, trên cơ sở đó Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch triển khai 1 cách bài bài bản trên phạm vi toàn quốc. “Dự án này là phần để lồng ghép vào những chiến lược, những chính sách, kế hoạch hành động mà Bộ Y tế sẽ làm trong tương lai để thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư...”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thông tin.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, khám chữa bệnh từ xa trước đây là tập trung nhiều vào một số bệnh và tư vấn, hỗ trợ từ tuyến trung ương cho tuyến tỉnh cho đến tuyến huyện. “Nhưng dự án này tập trung cho y tế cơ sở tức là tuyến xã. Tuyến xã sẽ được trang bị hạ tầng là máy tính, đã có phần mềm. Sau này sẽ đưa cán bộ y tế xã đi tập huấn, hỗ trợ chuyên môn về chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đây là bước khởi đầu, trên cơ sở đó Bộ Y tế, Vụ Kế hoạch tài chính cùng với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ có các lộ trình tiếp theo", Cục trưởng Hà Anh Đức cho biết thêm.

Buổi thăm khám trực tuyến có sự tham gia của các y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện 199.
Ảnh: TTXVN phát

*Sưởi ấm ngày đông

Bác sĩ Tạ Văn Nam, Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn chia sẻ, với đặc thù là một tỉnh miền núi phía bắc có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, địa bàn miền núi hiểm trở, bà con thường xuyên đối mặt với nguy cơ lũ quét, lở đất, và nguy cơ bị cách ly tạm thời về mặt địa lý do thiên tai. Để có thể đến được tới trạm y tế, có những khu vực đồng bào phải đi cả tiếng đồng hồ qua những con đường núi khó đi lại.

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn cũng đang nỗ lực thực hiện chương trình số hóa quốc gia, chương trình số hóa trong ngành y tế. Tuy nhiên, các cơ sở y tế còn gặp nhiều khó khăn, nhiều trạm y tế đang sử dụng những thiết bị công nghệ thông lỗi thời nhưng chưa có kinh phí để nâng cấp, một số cán bộ y tế chưa có đủ kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh một cách thành thạo.

Nhằm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số y tế cũng như để người dân được thụ hưởng lợi ích của chương trình khám bệnh chữa bệnh từ xa, do đó ngành y tế Bắc Kạn luôn mong muốn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần cải thiện tiếp cận của người dân địa phương tới dịch vụ y tế có chất lượng.

"Chính vì vậy, khi được là một trong 10 địa phương thụ hưởng dự án "Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam", chúng tôi cảm thấy như đem củi sưởi ấm ngày đông cho đồng bào tỉnh Bắc Kạn trong công tác chăm sóc sức khoẻ ngay tại tuyến cơ sở", bác sĩ Nam phấn khởi nói.

Các dự án như "Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam" đã thể hiện sự nỗ lực đáng kể trong việc cải thiện hạ tầng y tế và hỗ trợ các khu vực khó khăn tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng. Đây là bước quan trọng nhằm tăng cường năng lực y tế cơ sở, đặc biệt là tại những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Những kết quả tích cực từ các chương trình khám chữa bệnh từ xa không chỉ mang lại lợi ích thiết thực mà còn tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai các chính sách quy hoạch y tế hiện đại và bền vững.

Điều này phù hợp với định hướng được đề ra trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu nâng cao năng lực y tế cơ sở, phát triển hạ tầng kỹ thuật và đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y tế, nhằm xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

PV

Xem thêm