Quyết định cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng theo chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Trong công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng luôn là một điểm sáng với nhiều hoạt động phong phú trên bình diện song phương và đa phương. Về tổng thể, chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 nêu rõ: Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng “bốn không”, chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Đồng thời, Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung. Thực hiện Chiến lược Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, là kế sách giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; tạo lập, củng cố niềm tin bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm bình đẳng cùng có lợi; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp, tăng cường vị thế quốc tế và độc lập, tự chủ của đất nước. Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện...
Như vậy, cái “bất biến” của Chiến lược Quốc phòng Việt Nam là chiến lược phòng thủ quốc gia, bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược; mang tính hòa bình, tự vệ bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; dựa trên nền tảng đường lối chính trị đúng đắn là nhân tố quyết định, sức mạnh quốc phòng là then chốt, sức mạnh quân sự là đặc trưng, trực tiếp là sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội nhân dân; xây dựng, củng cố quan hệ, lòng tin chiến lược với các nước, nhất là các đối tác chiến lược, tạo thế để bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu xảy ra.
Tuy nhiên, để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sẽ đòi hỏi những biện pháp “ứng vạn biến”. Giữ vững độc lập, tự chủ không chỉ bao gồm giảm sự lệ thuộc, chống sự áp đặt, lôi kéo, chi phối, mà còn là nêu cao, phát huy tính chủ động trong tham gia vào công việc chung của khu vực và quốc tế.
Là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ, đồng thời tích cực hợp tác cùng các quốc gia khác giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Việt Nam đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh; thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế trong Hiến chương Liên hợp quốc.
Quyết định cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng theo chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Sau hơn 10 năm triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử gần 1.000 lượt cán bộ, nhân viên đi thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở cả hình thức cá nhân và đơn vị. Các lực lượng của Việt Nam được triển khai luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trên cương vị, chức trách được giao, được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã thể hiện bước phát triển mới về trình độ hội nhập quốc tế của Quân đội ta khi Quân đội được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ làm lực lượng tiên phong, đi đầu trong lĩnh vực mới đầy nhạy cảm chính trị, khó khăn và thách thức này.
Đây cũng là công cụ hữu hiệu để chúng ta thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng biện pháp hòa bình. Qua đó, khẳng định rõ quan điểm của Đảng là gắn hòa bình, ổn định của quốc gia với giải quyết các vấn đề an ninh, hòa bình đang nổi lên trong khu vực và trên thế giới; tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về quốc phòng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, nâng cao năng lực cán bộ, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Bên cạnh đó, Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng đa phương nhằm góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia huấn luyện, diễn tập chung về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn; hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả chiến tranh; tích cực tham gia nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt; hợp tác bảo vệ và giao lưu hữu nghị biên giới.../.