Cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn” kể câu chuyện lịch sử trăm năm của tín ngưỡng hầu bóng và nghệ thuật hát văn.
TTXVN - Tọa đàm ra mắt sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc – văn” đã diễn ra ngày 4/5 tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, số 65 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sách dày 800 trang, của tác giả Lê Y Linh, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết với Tri Thức Trẻ Books ấn hành.
Cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn” viết về vai trò của nhạc - văn trong tín ngưỡng hầu bóng. Cuốn sách đã đúc kết hơn 40 năm gặp gỡ, đàm đạo, trao đổi với các đồng nghiệp, giáo sư, nhà nghiên cứu, đệ tử, cung văn… của tác giả Lê Y Linh. Cuốn sách kể câu chuyện lịch sử trăm năm của tín ngưỡng hầu bóng và nghệ thuật hát văn, đồng thời là bộ sưu tập với hàng trăm bài hát chưa công bố của một trong những “cây đại thụ” trong làng nhạc văn - hầu bóng: nghệ nhân Phạm Văn Kiêm. Những di sản ông để lại đã trở thành nguồn tư liệu quý giá về nhạc văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
Cuốn sách chia thành hai phần, trong đó, ở phần một, tác giả đào sâu về ngôn ngữ âm nhạc và cấu trúc thực hành hầu bóng. Phần hai, tác giả cùng cộng sự sưu tầm và công bố di cảo gần 200 bản văn cổ của nghệ nhân Phạm Văn Kiêm. Phần di cảo này đã được nhà sưu tầm văn cổ Ngô Nhật Tăng tổ chức chú giải chi tiết, với sự hỗ trợ chuyên môn của hai nhà Hán Nôm học Lê Phương Duy và Kim Trung Linh (Bùi Quốc Linh).
Ngoài ra, các bản văn của nghệ nhân Phạm Văn Kiêm còn được đối chiếu với những bản văn cổ xuất bản bằng chữ quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX, một giai đoạn then chốt trong sự biến thân của thực hành tín ngưỡng.
Là một công trình nghiên cứu công phu được thai nghén trong thời gian dài, “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn” không chỉ là cuốn sách chuyên sâu về nghiên cứu, còn có hình thức chỉn chu. Trong sách có những hình ảnh các học trò của nghệ nhân Phạm Văn Kiêm vẽ trong những tập chép văn của thầy từ những năm 1970 và tranh dân gian Hàng Trống về đạo thờ Tứ phủ từ đầu thế kỷ XX…, cũng được giới thiệu đến bạn đọc.
Tại tọa đàm, nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Y Linh, tác giả cuốn sách đã cùng các diễn giả đã có những chia sẻ, bàn luận về vai trò của nhạc và văn trong tín ngưỡng hầu bóng, cùng bộ sưu tập vô giá của nghệ nhân Phạm Văn Kiêm trong thực hành tín ngưỡng giai đoạn 1900 - 1990.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc dân Lê Y Linh, cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc – văn” được hoàn thành sau nhiều năm dài bà nghiên cứu, tìm hiểu, điền dã…, để tìm hiểu ngọn ngành, biết văn cổ các cụ hát như thế nào; hiểu tại sao qua bao năm chiến tranh khó khăn nghi lễ vẫn còn kiên cường tồn tại; hiểu sự khác nhau và tương đồng giữa những lễ hầu đồng trong bóng tối với một xâu đồng xu, một mâm bỏng gạo thời chiến tranh; những lễ lẫy lừng với hàng trăm mâm lộc và các Thánh về phát lộc bằng ngoại tệ...
Tác giả Lê Y Linh hy vọng, cuốn sách sẽ cung cấp những tư liệu, truyền đạt lại một phần những gì bà đã học được từ nghệ nhân Phạm Văn Kiêm, giúp bạn đọc và các nhà nghiên cứu quan tâm đến tín ngưỡng thờ Mẫu, quan tâm đến hầu bóng, hát văn có thêm nguồn tư liệu tham khảo./.
- Từ khóa:
- tín ngưỡng thờ Mẫu
- hát văn
- nghệ nhân
- âm nhạc
- dân tộc