Chỉ đạo, Điều hành

Thống nhất chủ trương đầu tư các dự án, thực hiện Luật Đất đai tại các địa phương

Tại kỳ họp này, HĐND thành phố Đà Nẵng và Cao Bằng đã thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư một số dự án hạ tầng y tế; quy định mức chi đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Ngày 30/10, HĐND thành phố Đà Nẵng, tỉnh Cao Bằng đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, thống nhất chủ trương đầu tư các dự án, thực hiện Luật Đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

* Đà Nẵng thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án lớn

Quang cảnh Kỳ họp. 
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Theo đó, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 20 (Kỳ họp chuyên đề), ngày 30/10, để xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng, nhất là chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều dự án lớn tại thành phố.

Cụ thể, HĐND thành phố Đà Nẵng đã xem xét, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1). Nội dung điều chỉnh bổ sung gồm các hạng mục cần thiết để hoàn thiện đồng bộ dự án Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) gồm 3 khối nhà, đưa vào vận hành khai thác, sử dụng. Tổng kinh phí bổ sung hơn 414 tỷ đồng, tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh, bổ sung hơn 1400 tỷ đồng (từ vốn ngân sách). Dự án Khu Công viên phần mềm số 2 đã được khởi công từ năm 2020, đã đầu tư phần hạ tầng và các hạng mục xây lắp cơ bản của 3 khối nhà ICT, ICT1, ICT2, tổng vốn gần 1000 tỷ đồng. Việc đầu tư, bổ sung các trang thiết bị thiết yếu để hoàn thiện cơ bản đầy đủ cơ sở vật chất của các khối nhà là cần thiết nhằm tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin tại thành phố; đồng thời đảm bảo cơ sở vật chất thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo, thiết kế vi mạch, bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo của thành phố.

Đại biểu Lương Công Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Đà Nẵng, phát biểu tại Kỳ họp. 
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Tại kỳ họp này, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư dự án tuyến cống từ kênh Phú Lộc ra đường Nguyễn Tất Thành (trên đường Phùng Hưng) thuộc quận Liên Chiểu. Mục tiêu đầu tư dự án nhằm giảm tải lưu lượng cho kênh Phú Lộc, giảm thiểu tối đa ngập úng đô thị, đảm bảo cảnh quan đô thị và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, tăng khả năng thoát nước của tuyến kênh ra vịnh Đà Nẵng. Với diễn biến thời tiết cực đoan, những năm gần đây, lưu lượng nước mưa đổ vào kênh Phú Lộc rất lớn, có thời điểm tràn bờ. Vì thế, việc đầu tư tuyến cống này cần thiết để phân lưu, giảm tải cho tuyến kênh Phú Lộc, giảm ngập úng cho khu vực trung tâm thành phố. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 145 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, được thực hiện trong giai đoạn từ nay tới năm 2027.

Trong kỳ họp chuyên đề này, HĐND thành phố cũng thông qua chủ trương đầu tư một số dự án hạ tầng y tế như: chủ trương đầu tư Bệnh viện Đà Nẵng; mở rộng, nâng cấp Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Theo đó, dự án Bệnh viện Đà Nẵng mở rộng, khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ nhằm tổ chức lại không gian kiến trúc cảnh quan trong bệnh viện theo hướng gia tăng diện tích, hiệu quả các công trình bên trong; cải tạo môi trường, cảnh quan phục vụ khám chữa bệnh tốt hơn. Dự án có tổng kinh phí hơn 154 tỷ đồng, trong đó kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 80 tỷ đồng. Còn Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có các khối nhà hiện trạng không được cải tạo, nâng cấp trong thời gian dài nên dẫn tới tình trạng xuống cấp, cần tu bổ, nâng cấp. Dự án nâng cấp Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có tổng mức đầu tư không quá 78 tỷ đồng...

Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng phát biểu tại Kỳ họp. 
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng khẩn trương, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình tại Kỳ họp cuối năm; các Ban HĐND thành phố thực hiện tốt công tác thẩm tra theo quy định; tổ chức tốt công tác tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp cuối năm để thông tin cho nhân dân thành phố...

* Thông qua các nghị quyết về thực hiện Luật Đất đai

Cùng ngày, HĐND tỉnh Cao Bằng khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 24 (chuyên đề), thông qua 3 nghị quyết liên quan đến thực hiện Luật Đất đai tại tỉnh.

Đại biểu Hoàng Thị Bình (huyện Quảng Hoà) phát biểu. 
Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Cụ thể, HĐND tỉnh Cao Bằng đã thông qua Nghị quyết quyết định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và sử dụng kinh phí hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa tại tỉnh; quy định mức chi đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại tỉnh; quy định chế độ ưu đãi miễn tiền thuê đất đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư đồng thời đáp ứng điều kiện loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn xã hội hóa do Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc dự án phi lợi nhuận tại Cao Bằng.

HĐND tỉnh Cao Bằng nhất trí về tỷ lệ phần trăm để tính đơn giá thuê đất, đơn giá thuê đất để xây dựng công trình ngầm, đơn giá thuê đất đối với phần diện tích đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. HĐND tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sau khi Nghị quyết về bảng giá đất mới được ban hành theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 thì thực hiện rà soát, điều chỉnh tỷ lệ phần trăm các đơn giá trên cho phù hợp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng Triệu Đình Lê phát biểu. 
Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng Triệu Đình Lê đề nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương thực hiện các nghị quyết để góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024; chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, thường xuyên, liên tục nội dung các nghị quyết đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong tổ chức thực hiện. Các vị đại biểu HĐND tỉnh thông tin đến cử tri các nghị quyết đã được thông qua; tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm, tăng cường giám sát và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật để kịp thời nắm bắt những vấn đề phát sinh trong trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết; kịp thời đề xuất, kiến nghị các cấp, các ngành có giải pháp hữu hiệu giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra; đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nghị quyết đảm bảo sát, đúng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn địa phương khi cần thiết./.


Quốc Dũng - Chu Hiệu

Tin liên quan

Xem thêm