Chính phủ hành động

Thời điểm thích hợp để đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Đánh giá sơ bộ, tác động của đầu tư đường sắt cao tốc độ cao làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy tại Tọa đàm.
Ảnh: Chu Thanh Vân - TTXVN

Đây là thời điểm thích hợp để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam nhằm tái cơ cấu lại thị phần vận tải một cách phù hợp. Nhận định này được Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy nêu ra tại Tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức", do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 29/10.

Đảm bảo nguồn lực tài chính

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, quy mô nền kinh tế của chúng ta đã đạt 430 tỷ USD, nợ công cũng đang ở mức rất hợp lý, khoảng 37%. Các điều kiện về nguồn lực cơ bản không phải là thách thức lớn. Những trăn trở về mặt kỹ thuật nay đã được kiến giải một cách rõ ràng. Đây cũng thực sự là tiền đề, động lực “để chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói”.

Thứ trưởng phân tích, nếu dự kiến hoàn thành cơ bản dự án như Ban Chấp hành Trung ương thông qua vào năm 2035 thì thời gian giải ngân khoảng 12 năm. Bình quân mỗi năm cần 5,6 tỷ USD, chiếm khoảng 1% GDP (dự kiến khởi công năm 2027). Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá những chỉ tiêu tài chính vĩ mô; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá khả năng cân đối vốn và các tính toán khác, cho thấy, việc cân đối nguồn vốn và huy động nguồn vốn không phải là thách thức lớn trong thời điểm hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là dự án trọng điểm quốc gia, đã có nhiều năm chuẩn bị cho công tác đầu tư. Các bộ, ngành đã phối hợp rất chặt chẽ và thống nhất đưa ra ba nhóm giải pháp điều hành tổng thể và bốn phương pháp huy động nguồn lực.

Ba nhóm giải pháp điều hành tổng thể gồm: Đổi mới mô hình tăng trưởng, điều hành kinh tế - xã hội linh hoạt, hiệu quả để góp phần tăng thu ngân sách hằng năm với tinh thần năm sau phải cao hơn năm trước. Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả theo hướng triệt để tiết kiệm và chống lãng phí để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Sửa đổi thể chế, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong thu hút nguồn lực trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, giải pháp này Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội thảo luận, thông qua trong kỳ họp này.

Bốn phương án huy động nguồn lực là xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm cho ba giai đoạn đến năm 2035 trên tinh thần chủ động, cân đối nguồn lực để đảm bảo đầy đủ các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách. Thu hút nguồn lực, huy động trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn lãi suất phù hợp, với điều kiện thị trường và tiến độ thực hiện của các dự án. Thu hút nguồn lực đầu tư trong nước bao gồm cả hình thức hợp tác công tư. Huy động nguồn lực ngoài nước có ưu đãi cao, điều kiện đàm phán hợp lý và ít ràng buộc.

“Với ba giải pháp và bốn phương án huy động này, công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng, đảm bảo được nguồn lực về tài chính ở mức cao nhất theo lộ trình phê duyệt và tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo theo đúng chủ trương Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10”, Thứ trưởng Khắng cho hay.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ về những đóng góp của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Ảnh: Chu Thanh Vân - TTXVN

Tác động đến tăng trưởng kinh tế

Nói về những đóng góp của dự án, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, có thể chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn đang trong quá trình xây dựng và giai đoạn đưa vào vận hành. Cả 2 giai đoạn đều tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Trong lịch sử đầu tư công của đất nước ta, đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến tổng chi xấp xỉ 70 tỷ USD. Qua đánh giá sơ bộ, nếu số tiền này được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035, tác động của đầu tư đường sắt cao tốc độ cao làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP.

Phân tích sâu hơn, công trình này có tác động trực tiếp đến ngành xây dựng, các ngành phụ trợ phục vụ cho công trình, dịch vụ cung cấp cho công trình, tác động lan tỏa đến phát triển đô thị (mở hơn 20 ga từ Bắc vào Nam, mỗi ga đều có các khu đô thị đính kèm, tạo động lực cho phát triển). Đồng thời, tác động đến các ngành khai thác sau khi dự án đi vào vận hành, nhất là dịch vụ du lịch và tạo công ăn việc làm tương đối lớn.

Ngoài ra, sẽ tác động đến tăng trưởng của ngành vận tải, hướng tới hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải, tăng thêm doanh số, năng suất, công suất phục vụ cho giao thông vận tải.

Giai đoạn 2 sau khi dự án đưa vào khai thác, vận hành sẽ gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là giảm chi phí logistic, góp phần phát triển các ngành công nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng tuyến đường sắt này.

Đồng quan điểm đây là thời điểm chín muồi để triển khai dự án, cả về điều kiện, năng lực, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho hay, mấu chốt quan trọng làm đề án này là tạo thêm phương thức vận tải thứ 5 và thông qua đó, tối ưu hóa các phương thức vận tải, góp phần tối ưu hóa chi phí vận tải, thời gian, và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các chủ thể, từ hành khách đến vận tải hàng hóa.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh trao đổi tại Tọa đàm.
Ảnh: Chu Thanh Vân - TTXVN

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh, so với hình thức khác, đường sắt có lợi thế vận tải hàng hóa lớn, hiệu suất cao, đặc biệt là độ an toàn, chi phí trung bình. Dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa đến 2050 tuyến Bắc-Nam là hơn 18,2 triệu tấn/năm, với 122,7 triệu lượt khách. Do vậy, để đáp ứng vận tải hàng hóa, hành khách, ngoài đầu tư đường sắt tốc độ cao, vẫn tiếp tục nâng cấp đường sắt hiện hữu phục vụ vận tải hàng hóa chuyên ngành như hàng nặng, khí hóa lỏng, xăng dầu, khí LNG…

Vận tải đường sắt tốc độ cao, khi hình thành, sẽ đóng vai trò quan trọng, đồng bộ kết nối 5 phương thức chính: Đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, theo trục Bắc-Nam. Điều này không chỉ tận dụng thế mạnh từng phương thức mà còn tối ưu hóa hệ thống vận chuyển, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Khi phương thức vận tải hàng hóa linh hoạt nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

“Điểm mạnh của đường sắt tốc độ cao là độ an toàn cao như ở Nhật Shinkansen xây dựng từ năm 1964 nhưng chưa có vụ tai nạn nào xảy ra, các nước thế giới cũng vậy. Thứ hai là thời gian đi lại được xác định chính xác từng phút. Thứ ba là tiện lợi thoải mái, hành khách đi trên tàu này có không gian rộng rãi, di chuyển trên tàu dễ dàng”, ông Khánh nói./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm