Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng thúc đẩy sự sáng tạo, từ bỏ lối tư duy "không kiểm soát được thì cấm".
Hội thảo khoa học quốc gia đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 với chủ đề “Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới”, đã được Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tổ chức sáng 10/4, tại Hà Nội. Nhân dịp này, Đại học Kinh tế Quốc dân công bố Ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024”.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung trao đổi, làm rõ bối cảnh quốc tế và những tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam năm 2024; đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2024 thông qua các khu vực chính của nền kinh tế; thành tựu và những hạn chế; đánh giá thực trạng của thể chế kinh tế tại Việt Nam trong hai lĩnh vực của thể chế là hệ thống pháp luật về kinh tế và bộ máy nhà nước liên quan đến thực thi quyền lực của nhà nước trong mối quan hệ với thị trường. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phân tích những cơ hội và thách thức trong năm 2025; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025; đề xuất những khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2025 cũng như đề xuất cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Năm 2024, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức: chính sách tiền tệ thắt chặt và tình trạng nợ công dai dẳng tại nhiều quốc gia đang phát triển, bất ổn địa chính trị tiếp diễn tại một số khu vực như Trung Đông và Ukraine, sự thay đổi về bộ máy chính phủ tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ. Tuy vậy, việc lạm phát đã hạ nhiệt tại hầu hết các quốc gia lớn, tạo điều kiện cho nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới dần chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Trong năm 2024, kinh tế toàn cầu ước tính đạt tốc độ tăng trưởng ở mức 2,7% đến 3,2%.
Trong tình hình đó, năm 2024 có thể coi là một năm sôi động với nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam. Khu vực kinh tế thực cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 7,09%, vượt mục tiêu 6 - 6,5% mà Chính phủ đã đề ra, cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực. Năng suất lao động của Việt Nam đã có một số cải thiện (tăng 5,14% trong năm 2024) nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với một số quốc gia phát triển hơn trong khu vực. Cơ cấu các ngành sản xuất tiếp tục quá trình chuyển dịch từ khu vực nông-lâm nghiệp và thuỷ sản sang công nghiệp và dịch vụ, trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có được bước phục hồi mạnh mẽ, trở thành động lực lớn đóng góp vào mức tăng trưởng cao của nền kinh tế.
Ở khu vực đối ngoại, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hoá ước đạt tới 786,29 tỷ USD, tương đương khoảng 165% GDP. Trong đó, khu vực FDI tiếp tục lấn át khu vực trong nước với 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 63,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế còn chưa tương xứng. Nhiều doanh nghiệp nội địa trong nước còn gặp khó khăn, không tạo ra được sự liên kết với khu vực FDI để từ đó tham gia sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Từ những phân tích trên, Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Hồng Chương cho rằng, tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2025 và cao hơn trong các năm tiếp theo là mục tiêu đầy thử thách. Để có thể duy trì được mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn, bên cạnh việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống thì việc xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế và thể chế chính trị phù hợp là hết sức quan trọng. Hệ thống thể chế có tính bao trùm chính là nền tảng quan trọng cho một nền kinh tế thị trường đầy đủ, giúp khuyến khích sự tham gia của đại đa số người dân vào các hoạt động kinh tế. Mặt khác, hệ thống thể chế cũng cần đảm bảo sự phân phối thành quả kinh tế một cách công bằng, giúp cho các thể chế bao trùm này duy trì và mở rộng.
Khuyến nghị các chính sách liên quan đến thể chế, Giáo sư - Tiến sĩ Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân), đồng chủ biên ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024” nhấn mạnh: Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, vì vậy, cần cẩn trọng sử dụng chính sách tiền tệ, tăng cường chính sách lành mạnh tài chính. Từ đó, có chính sách tài khóa mở rộng, tập trung vào tăng hiệu quả giải ngân đầu tư công, giảm thuế có chọn lọc và tăng cường chính sách an sinh xã hội. Việt Nam cũng cần tập trung vào nội lực, tạo môi trường cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; tái cơ cấu chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thu hút FDI chất lượng cao, khu vực trong nước tham gia sâu vào chuỗi toàn cầu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Tô Trung Thành, Nhà nước cũng cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng giảm thiểu can thiệp hành chính, tăng cường hiệu quả thực thi và đảm bảo sự bình đẳng, minh bạch; cải cách tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước, vừa thúc đẩy sự sáng tạo, từ bỏ lối tư duy "không kiểm soát được thì cấm".
Các chính sách về thể chế trong thời gian tới cần tập trung tháo gỡ các rào cản mang tính cấu trúc trong bộ máy hành chính, giảm thiểu chồng chéo chức năng, đồng thời nâng cao năng lực quản trị và điều hành kinh tế vĩ mô. Nhà nước cần đổi mới tư duy quản lý, chuyển từ việc “làm thay” sang vai trò định hướng, hỗ trợ và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, cần tập trung vào hạ tầng, thể chế, an sinh xã hội và khoa học công nghệ để tạo động lực phát triển bền vững./.