Công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số được đẩy mạnh với nhiều cách làm cụ thể tại Ninh Bình
Xác định quản lý đất đai là một trong những lĩnh vực quan trọng, liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và cũng là động lực thu hút đầu tư, phát triển của tỉnh Ninh Bình, ngành Nông nghiệp và Môi trường đã và đang tích cực chủ động, linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó, tạo ra sự minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý và cung cấp thông tin, giúp cho hệ thống quản lý đất đai đáp ứng được những yêu cầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
*Tạo chuyển biến thực chất, rõ nét
Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Hoa Lư là một trong những đơn vị có số lượng hồ sơ liên quan đến thủ tục về đất đai lớn với hàng nghìn lượt hồ sơ cần giải quyết mỗi tháng. Tuy nhiên, đến nay không còn thấy cảnh người dân, doanh nghiệp tấp nập đứng chờ nộp hồ sơ bởi vì phần lớn hồ sơ đã thực hiện tiếp trên hệ thống điện tử.
Theo thống kê, từ ngày 1/1/2025 đến 15/5/2025, chi nhánh tiếp nhận 16.091 hồ sơ, trong đó 3637 hồ sơ nộp trực tiếp, 12.454 hồ sơ nộp trực tuyến. Công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số được đẩy mạnh với nhiều cách làm cụ thể. Đơn vị đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính giúp giảm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đây cũng là giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính Nhà nước, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh và Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Hoa Lư cho biết, hiện tại toàn bộ hồ sơ ở Chi nhánh đều được tiếp nhận, giải quyết trên môi trường điện tử. Chi nhánh sử dụng các hệ thống phần mềm chuyên môn vào vận hành để phục vụ giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn người dân kê khai trực tuyến, giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức đi lại.
Việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho hộ gia đình, cá nhân đều được chi nhánh thực hiện trên cổng dịch vụ công, phần mềm tài nguyên và môi trường tỉnh Ninh Bình và các phần mềm chuyên ngành khác.
Anh Đặng Văn Sáu, thành phố Hoa Lư đánh giá, khi người dân đến chi nhánh thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai sẽ được cán bộ hướng dẫn tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công để khuyến khích người dân nộp hồ sơ online, giảm thời gian đi lại và chủ động nắm bắt tiến độ thực hiện hồ sơ của mình. Khi hồ sơ hoàn tất sẽ dùng tài khoản dịch vụ công để thanh toán online, hạn chế sử dụng tiền mặt.
Ngoài ra, tài khoản hành chính công còn tích hợp nhiều lĩnh vực khác, tạo thuận lợi nhất cho người dân. Việc đẩy mạnh số hóa quy trình xử lý hồ sơ không chỉ rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục mà còn nâng cao tính minh bạch, giảm sai sót, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp...
Để giúp người dân thông thạo trong việc nộp hồ sơ trực tuyến cũng như thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Yên Mô đã chủ động liên kết, kết nối với các đơn vị liên quan như bưu điện, ngân hàng nhằm giải quyết các thủ tục hành chính cũng như thanh toán trực tuyến cho người dân được nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả nhất. Chi nhánh đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng tỷ lệ hồ sơ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn của chi nhánh đạt 99,7%.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Yên Mô đánh giá, chuyển đổi số trong công tác quản lý đất đai là yêu cầu cấp thiết, được xác định là tất yếu, cần thiết và là chiến lược quan trọng giúp xây dựng hệ thống quản lý đất đai tiên tiến, hiện đại. Hiện nay, một số thủ tục hành chính đã được thực hiện lồng ghép, đồng thời nhằm cắt giảm chi phí, thời gian đi lại của công dân.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, Chi nhánh đã cung cấp công khai dịch vụ tư vấn miễn phí cho người dân thông qua số điện thoại của cán bộ phụ trách địa bàn, số điện thoại đường dây nóng, để người dân biết để được hướng dẫn giúp đỡ trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
*Hướng tới phục vụ người dân tốt hơn
Theo Chương trình chuyển đổi số năm 2025, ngành Nông nghiệp và Môi trường sẽ thực hiện quản lý, điều hành cơ bản trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, ngành cũng tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất, hướng tới mục tiêu phải hoàn thành xây dựng cơ dữ liệu và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thống nhất, đồng bộ và kết nối liên thông.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong chuyển đổi số của ngành đã mang lại những kết quả tích cực.Riêng 4 tháng đầu năm 2025, ngành đã thẩm định và cấp 66 giấy chứng nhận cho 52 tổ chức với tổng diện tích hơn 143 ha, và gần 14 nghìn giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích trên 380 ha. Đáng chú ý, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước và đúng hạn đạt tới 99,22% đã cho thấy sự cải thiện đáng kể trong hiệu quả xử lý thủ tục hành chính.
Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phát huy hiệu quả, giá trị cơ sở dữ liệu đất đai, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin để vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn. Theo đó, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh đã có nhiều chuyển biến; công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện trên môi trường điện tử; cung cấp đầy đủ qua dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, góp phần thiết thực vào công cuộc số hóa quốc gia, thúc đẩy nền kinh tế số.
Ông Nguyễn Mạnh Kiên, Trưởng phòng Đăng ký và cấp giấy chứng nhận, Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình đánh giá, chuyển đổi số trong quản trị đất đai đang đem đến những quyền lợi thiết thực cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Đồng thời, việc làm này giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý của cơ quan chức năng và từng bước thay đổi cách cơ quan chức năng quản lý, giám sát, điều hành công tác quản trị đất đai cũng như cách thức mà người dân tiếp cận.
Thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được kết nối với các bộ ngành, địa phương, cơ quan chức năng sẽ có tầm nhìn bao quát, toàn cảnh về tình hình quy hoạch, quản lý đất đai từng khu vực để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, tránh sự chồng chéo, giảm thiểu tối đa các sai sót, giúp giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai trở nên minh bạch, hiệu quả hơn…
Để đáp ứng yêu cầu “Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất”, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình tiếp tục quan tâm, đầu tư đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin; tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Đặc biệt, ngành chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, quyết tâm không để tồn đọng hồ sơ, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của ngành nói riêng và toàn tỉnh nói chung…
- Từ khóa:
- chuyển đổi số
- đất đai
- nông nghiệp
- môi trường