Tiềm năng du lịch phong phú và con người giàu lòng mến khách của các tỉnh Nam Trung Bộ là những ưu thế nổi bật.
TTXVN - Chiều 1/3, phiên thảo luận chuyên đề về lĩnh vực du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đã diễn ra tại thành phố Nha Trang. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến, hợp tác Ấn Độ với các tỉnh Nam Trung bộ do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức.
Tham dự phiên thảo luận có các đại biểu đại diện doanh nghiệp lữ hành Ấn Độ; lãnh đạo các ngành, trường đại học, doanh nghiệp du lịch các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Định. Lãnh đạo ngành Du lịch các tỉnh nam Trung bộ đã giới thiệu tiềm năng thế mạnh, các tour du lịch đặc thù cho khách Ấn Độ khi đến vùng đất này. Tiềm năng du lịch phong phú và con người giàu lòng mến khách của các tỉnh Nam Trung Bộ là những ưu thế nổi bật. Các địa phương này phấn đấu trở thành điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện đối với du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh vừa có biển, đồng bằng, trung du và có miền núi, gắn liền các tài nguyên có thể khai thác du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, dịch vụ thể thao lướt ván, du thuyền, golf, leo núi. Trong 10 năm trở lại đây, ngành Du lịch Ninh Thuận đã được tập trung đầu tư và có bước phát triển mới mang tính đột phá. Nhiều loại hình du lịch được đẩy mạnh, tạo được sức hút du khách. Không gian du lịch ngày càng được mở rộng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hấp dẫn.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên mong muốn tạo ra sự khác biệt, một điểm đến mới trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực, trên cơ sở tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Đặc biệt là tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái, gắn với văn hóa bản địa, văn hóa ẩm thực phong phú và con người Phú Yên thân thiện. Trong thời gian đến, Phú Yên tiếp tục đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh. Đại phương tập trung phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng và xây dựng một số sản phẩm mang tính đặc trưng của Phú Yên để tạo lợi thế cạnh tranh.
Bình Định là tỉnh nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam trên cả ba tuyến đường bộ, đường sắt và đường hàng không vì vậy có lợi thế trong giao lưu khu vực và quốc tế. Tỉnh mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhất là trong công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm để tăng cường độ nhận diện thương hiệu “Quy Nhơn - Bình Định - Thiên đường Biển” đến các đối tác trong và ngoài nước.
Tại phiên thảo luận, đại diện các địa phương này đã đưa ra phương hướng thực hiện liên kết vùng, đẩy mạnh kết nối hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác xúc tiến và quảng bá du lịch; xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Duyên hải Nam Trung bộ chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn.
Thông tin từ phiên thảo luận cho biết, năm 2022 đã có 109.000 lượt du khách Ấn Độ chọn Việt Nam làm điểm đến (tính đến tháng 11/2022), xếp thứ 9/10 quốc gia có lượng khách du lịch đến Việt Nam nhiều nhất. Các đại biểu quốc tế hy vọng sẽ có nhiều du khách Ấn Độ thực hiện khám phá những bãi biển xinh đẹp của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ trong thời gian tới; đồng thời cho rằng họ tiếp tục tìm hiểu thực địa, hỗ trợ quảng bá và xúc tiến các bước hợp tác để du lịch giữa hai bên trở thành là những điểm đến lý tưởng cho du khách của hai nước./.