Liên minh châu Âu đã cam kết mạnh mẽ giải quyết các thách thức toàn cầu liên quan đến môi trường; sản xuất, tiêu dùng bền vững (SCP) và biến đổi khí hậu.
(TTXVN)- Sáng 3/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp một số đơn vị tổ chức Hội thảo: "Xây dựng và thực thi chính sách thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm: Kinh nghiệm ở EU, Thái Lan, sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức xã hội".
Phát biểu chào mừng, bà Brenda Candries, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, trong nhiều thập kỷ, Liên minh châu Âu đã cam kết mạnh mẽ giải quyết các thách thức toàn cầu liên quan đến môi trường; sản xuất, tiêu dùng bền vững (SCP) và biến đổi khí hậu. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh châu Âu mới được Liên minh châu Âu thông qua vào tháng 12/2019.
Liên quan đến hợp tác giữa Liên minh châu Âu với Việt Nam, chuyển đổi xanh và thực hành kinh doanh có trách nhiệm là nội dung được phản ánh ở hai trong số 3 lĩnh vực ưu tiên của Chương trình viện trợ đa niên (MIP) giai đoạn 2021 - 2027 nhằm hỗ trợ Việt Nam có nền kinh tế tuần hoàn, kỹ thuật số, thích ứng với khí hậu; tinh thần kinh doanh có trách nhiệm và nâng cao kỹ năng để có việc làm thỏa đáng.
Bà Brenda Candrie cho biết, Liên minh châu Âu đã thông qua “Chương trình Đối tác Xanh Việt Nam- EU do Phụ nữ lãnh đạo” vào đầu năm 2023. Chương trình này sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, các sáng kiến của các doanh nghiệp do phụ nữ đứng đầu về thích ứng với biến đổi khí hậu, khả năng phục hồi sau thảm họa, chuỗi giá trị tuần hoàn và kỹ thuật số.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Nhật Minh, Viện nghiên cứu Truyền thông phát triển cho rằng, thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP) là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Chính vì vậy, Liên hợp quốc đã công bố các nguyên tắc hướng dẫn về Kinh doanh và Quyền con người (UNGPs) nhằm thúc đẩy nội dung này trên quy mô toàn cầu, hướng tới hỗ trợ từng quốc gia cụ thể hóa thành chương trình hành động.
Tính đến tháng 10/2019 đã có 25 quốc gia đưa vấn đề kinh doanh có trách nhiệm vào một phần chương trình nghị sự quốc gia; trong đó, 23/25 quốc gia đã xác lập Chương trình hành động quốc gia với những mục tiêu cụ thể phù hợp với bối cảnh quốc gia. Tại Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia đầu tiên trong khu vực ban hành Chương trình hành động quốc gia (vào tháng 9/2019, phiên bản cập nhật năm 2022).
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 10/7/2023 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.
Theo ông Nguyễn Văn Huấn, chuyên gia kinh doanh có trách nhiệm, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, trong quá trình triển khai thực hành kinh doanh có trách nhiệm, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Các chính sách pháp luật chưa được hoàn thiện; chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh, các dự án về môi trường; thiếu sự hỗ trợ từ các hiệp hội ngành/nghề trong việc liên kết nhằm tăng năng lực cạnh tranh; khác biệt về mô hình, văn hóa, tư duy và cách tiếp cận của từng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc tuân thủ kinh doanh có trách nhiệm vì quy định của pháp luật mà chưa thấy rõ động lực, lợi ích từ hoạt động này mang lại. Ví dụ về vấn đề mua bán trao đổi tín chỉ carbon, việc tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước hoạt động từ năm 2025 ; tuy nhiên để giao dịch tín chỉ carbon, kiểm kê khí nhà kính đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ chi phí thực hiện. Doanh nghiệp muốn mua bán tín chỉ carbon nhưng gặp khó khăn khi xác định kết quả kiểm kê, tìm kiếm thông tin của bên có nhu cầu mua tín chỉ carbon,…
Một số đại biểu khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về thực hiện kinh doanh có trách nhiệm; đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan trong đời sống. Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành cần định nghĩa rõ, chính xác thế nào là kinh doanh có trách nhiệm./.