Tại Diễn đàn, các đại biểu thảo luận nhiều nội dung liên quan các chủ đề: Việt Nam tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ cao.
TTXVN - Trong chương trình thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan, chiều 2/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã cùng dự Diễn đàn Công nghệ cao Việt Nam – Hà Lan. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam, Hà Lan và quốc tế.
Tại Diễn đàn, các đại biểu thảo luận nhiều nội dung liên quan các chủ đề: Việt Nam tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ cao: Góc nhìn từ các doanh nghiệp toàn cầu; phát triển và nuôi dưỡng nhân tài công nghệ cao Việt Nam: Chiến lược và khuyến nghị…
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhắc lại chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 12 năm 2022. Khi thăm Khu công nghệ cao Brainport ở thành phố Eindhoven, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn xây dựng một trung tâm tương tự tại Việt Nam.
Thủ tướng Mark Rutte bày tỏ vui mừng vì chỉ sau 11 tháng, ông đến Việt Nam và được biết, Việt Nam đã có Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Trung tâm Nghiên cứu, phát triển. Thủ tướng cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam của ông lần này có đoàn gần 30 doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu Hà Lan tháp tùng, nhiều công tay công nghệ cao của Hà Lan bắt đầu có các dự án đầu tư, nhiều doanh nghiệp khác đang tìm hiểu và sẽ đầu tư, hợp tác tại Việt Nam.
Thủ tướng Mark Rutte mong muốn và tin tưởng thông qua Diễn đàn này, các cơ quan, doanh nghiệp hai nước sẽ hiểu rõ về tiềm năng hợp tác của Việt Nam, Hà Lan và về nhau hơn; thúc đẩy hợp tác, đầu tư, cùng nhau xây dựng hệ sinh thái công nghệ cao, giúp nhau tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu đó, cùng với nhiều nhiệm vụ như thực hiện 3 đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, cải cách thể chế, hoàn thiện cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam coi giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, động lực, trụ cột phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tin tới Diễn đàn về định hướng phát triển đất nước, đường lối ngoại giao và chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam tiếp tục đảm bảo các nền tảng như: Ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; kiểm soát nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách; tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi…
Thủ tướng cho biết, Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài; luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua thách thức, khó khăn, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các bạn hoạt động ổn định, lâu dài tại Việt Nam trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Trong quan hệ với Hà Lan, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam - Hà Lan có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp từ nhiều thế kỷ. Hiện nay, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong khối EU và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu. Những thành quả hợp tác nêu trên là cơ sở để lạc quan về tương lai tươi sáng của quan hệ, khi hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau.
Cho biết, một trong những dư địa cần khai thác mạnh mẽ chính là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Thủ tướng cho rằng Hà Lan phát triển năng động, đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ và Việt Nam mong muốn được tham khảo, học tập kinh nghiệm cùng với Hà Lan trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư và mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; giúp Việt Nam xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam; giúp Việt Nam về khoa học quản trị theo kịp các nước tiên tiến.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan sớm có kế hoạch cụ thể để đầu tư và kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch vụ đóng tàu... thông qua các dự án công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Các doanh nghiệp, tập đoàn, viện nghiên cứu của Hà Lan xem xét, lựa chọn và tham gia hợp tác, đầu tư mạnh mẽ, toàn diện với Việt Nam thông qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và các khu công nghệ cao của Việt Nam. Trong đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia của Việt Nam vừa được khánh thành tuần qua sẽ trở thành trung tâm kết nối thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các doanh nghiệp công nghệ trên thế giới, trong đó có Hà Lan trong lĩnh vực này.
Khẳng định, trải qua nửa thế kỷ, trên nền tảng của mối quan hệ đối tác tin cậy, có chung quyết tâm chính trị, đầy đủ tiềm năng và nhu cầu hợp tác, Thủ tướng tin tưởng mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước sẽ phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, trong đó có hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
* Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và các quan chức, doanh nghiệp hai nước chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tài chính…/.