An toàn giao thông

Thượng tôn pháp luật - yếu tố hàng đầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Sau kỳ nghỉ Tết, hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do vi phạm nồng độ cồn, ý thức tham gia giao thông chưa tốt và sự chủ quan của người điều khiển phương tiện.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng. (Ảnh: Chu Thanh Vân)

Một trong những điểm nổi bật về tình hình trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán năm nay, đó là cả nước không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn được Cục Cảnh sát Giao thông và Công an các địa phương thực hiện liên tục, xuyên Tết đã kéo giảm đáng kể tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn - vốn là vi phạm phổ biến dịp Tết Nguyên đán và là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm.

Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết, hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra ở nhiều địa phương. Nguyên nhân do vi phạm nồng độ cồn cũng có, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức tham gia giao thông chưa tốt cũng như sự chủ quan của người điều khiển phương tiện.

Chỉ trong vòng 10 ngày sau Tết Nguyên đán, qua các thông tin đăng tải trên báo chí, thống kê sơ bộ cho thấy, cả nước đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, làm 17 người tử vong và hàng chục người bị thương.

Đoàn công tác Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn giao thông ở Điện Biên. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Mới đây nhất, vào hồi 22 giờ 30 ngày 6/2, tại Km30 + 700 quốc lộ 279 (địa phận bản Bua 1, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, Điện Biên) xe ô tô 37C-228.89 do Phan Văn Nghệ điều khiển, chở ba người khác đi theo hướng Tuần Giáo - thành phố Điện Biên Phủ, đã va chạm với một xe mô tô không có biển kiểm soát, đi theo hướng ngược lại (trên xe có hai thiếu niên), khiến xe ô tô mất lái, lật nghiêng đè vào hai xe mô tô khác 27Y1-102.45 và 27Y1-102.85 (trên hai xe này có ba người). Vụ tai nạn làm 4 người chết và 5 người bị thương, trong đó có một người đang trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó một ngày, vào hồi 14 giờ ngày 5/2, tại Km 28+100 quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn Nà Phước, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, xe ô tô khách 29B - 082.87 đã va chạm với xe ô tô đầu kéo 78C-063.20, kéo rơ-moóc 78R-003.64, khiến lái xe và phụ xe khách tử vong, nhiều hành khách bị thương.

6 giờ cùng ngày, một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khác đã xảy ra tại Phú Quốc (Kiên Giang) làm hai người tử vong và 5 người bị thương. Vào thời điểm trên, ô tô 4 chỗ  68E - 010.11 lưu thông trên tuyến đường ĐT.975 hướng từ phường Dương Đông về hướng xã Cửa Cạn, khi đến đoạn đường thuộc tổ 4, ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, xe chuyển sang làn đường bên trái khiến 3 xe máy: 70H7 - 9126, 49M1 - 024.37 và 59E1 - 648.57 lưu thông theo hướng ngược lại không kịp xử lý đã va chạm trực diện vào ô tô làm hai cha con trên xe máy 59E1 - 648.57 tử vong, 4 người bị thương nặng.

Một số địa phương như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Phú Thọ… cũng xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người thương vong.

Đáng chú ý là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào ngày 28/1, tại Km 5+800 tuyến tỉnh lộ 108 thuộc xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, Sơn La. Xe ô tô 29 chỗ 29B-51070 do ông Kiều Xuân Tới điều khiển lưu thông theo hướng từ huyện Thuận Châu đi xã Chiềng Phung, huyện Sông Mã; khi đang xuống dốc khu vực ngã ba Nong Vai, bất ngờ xảy ra tai nạn. Xe rơi qua ta-luy âm xuống mặt đường gấp khúc ở dưới làm 4 người tử vong, 3 người bị thương nặng; 11 người bị xây xát nhẹ. Qua thiết bị giám sát hành trình cho thấy, trước khi rơi xuống vực, ô tô chạy với vận tốc 35 km/h.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại Sơn La. (Ảnh: Cục Cảnh sát giao thông)

Có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Điện Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho hay, do hai thiếu niên điều khiển mô tô ngã sang phần đường của xe ô tô đang lưu thông từ trên dốc xuống dẫn đến tai nạn. Sau va chạm với mô tô này, ô tô lật đè lên hai mô tô khác chiều đường bên kia dẫn đến tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 4 cháu tử vong, một cháu bị thương rất nặng. Với vụ tai nạn xảy ra tại Sơn La, theo ông Hùng, do đường dốc dài, cua gấp liên tục, xe ô tô bị mất lái khi vào cua đã rơi xuống vực sâu 40m.

Đến nay, các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra sau Tết Nguyên đán chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân. Vụ tai nạn tại Phú Quốc có thể đánh giá được ngay qua vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển xe ô tô, nhưng theo quy định về mặt tố tụng, còn phải xem xét các nguyên nhân khác.

“Nguyên nhân trực tiếp là người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, nhưng cũng có thể có nguyên nhân của những người có liên quan”, ông Hùng nói.

Thông tin thêm về vụ tai nạn giao thông ở Điện Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, 4 người ngồi trên xe ô tô không vi phạm nồng độ cồn. Mẫu máu của các nạn nhân đi xe máy đang được gửi đi xét nghiệm, nhưng được biết trước khi xảy ra tai nạn, các thanh, thiếu niên này (đều ở độ tuổi từ 15-18) đi liên hoan và có sử dụng đồ uống có cồn.

Lý giải nguyên nhân sau Tết liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, xảy ra mất trật tự, an toàn giao thông sau dịp cao điểm lễ, Tết là điều khá phổ biến. Dịp lễ, Tết, việc đi lại trong không gian hẹp, thông thường là nghỉ ở nhà, đi lại trong khu vực du lịch hoặc trong địa bàn khu dân cư, làng xóm.

Sau Tết thường có liên hoan tân niên, khai Xuân, chúc Tết khi trở lại cơ quan, đơn vị, trường học, nên hoạt động giao thông nhộn nhịp, phức tạp hơn. Lưu lượng giao thông tăng cao nên nguy cơ tai nạn giao thông cũng lớn hơn, đặc biệt, vi phạm nồng độ cồn. Những tai nạn xảy ra gần đây, không ít vụ liên quan đến người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn.

Nhìn từ các vụ tai nạn giao thông trên, theo ông Khuất Việt Hùng, điều quan trọng đặt lên hàng đầu trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đó là thượng tôn pháp luật. “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, đây chính là chủ đề của Năm An toàn giao thông 2023.

“Tất cả chúng ta, kể cả những người làm công tác xây dựng, bảo vệ pháp luật và quản lý nhà nước, cho đến mọi công dân, trước tiên hãy tôn thượng tôn pháp luật trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông. Đối với người tham gia giao thông, thượng tôn pháp luật, tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẫn của lực lượng chức năng khi tham gia giao thông, trên cơ sở đó chúng ta mới có thể kéo giảm tai nạn giao thông”, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm