Ghi nhận chiều 27/8 tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, có 3 trẻ mắc sởi đang nằm điều trị. Trong đó, 2 trẻ dưới một tuổi và một trẻ sáu tuổi; cả 3 đều chưa được tiêm vaccine phòng sởi.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Cần Thơ có 16 trẻ mắc sởi, trong đó khoảng 1/4 diễn tiến nặng. Con số này không nhiều nhưng trong bối cảnh bệnh có thể bùng thành dịch, ngành Y tế Cần Thơ chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, trong đó chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tiêm ngừa đủ liều vaccine cho trẻ.
Ghi nhận chiều 27/8 tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, có 3 trẻ mắc sởi đang nằm điều trị. Trong đó, 2 trẻ dưới một tuổi và một trẻ sáu tuổi; cả 3 đều chưa được tiêm vaccine phòng sởi.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Hùng Dũng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch do virus sởi thuộc họ Paramyxovirus gây ra. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đầy đủ. Đây là bệnh nguy hiểm vì khả năng lây nhiễm cao, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não - màng não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc..., thậm chí có thể gây tử vong. Tuy vậy, sởi là bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vaccine khi trẻ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc khi 18 tháng tuổi.
Chị N.N.A (ngụ tại Sóc Trăng), có con 6 tháng tuổi đang nằm điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ cho biết, do điều kiện gia đình khó khăn, chị là công nhân nên bé được gửi đi nhóm trẻ từ sớm. Bé dưới 9 tháng tuổi, chưa được tiêm vaccine phòng sởi nên bé mắc sởi khi còn quá nhỏ.
Bà T.T.M (quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ), bà ngoại của bé 10 tháng tuổi đang điều tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, khởi phát bệnh, bé có triệu chứng nóng sốt. Gia đình chủ quan tưởng trẻ chỉ sốt thông thường như mọi lần, vẫn cho dùng thuốc hạ sốt. Sau 3 ngày trẻ vẫn không hết sốt, gia đình mới đưa vào bệnh viện thì được chẩn đoán bé bị sởi kèm viêm phổi.
Chia sẻ về trường hợp này, bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng cho biết, do ban đầu trẻ uống thuốc không đúng bệnh nên khi vào viện đã ở thể nặng, phải thở máy. Trẻ có tiểu sử sinh non, gầy yếu, lại uống kháng sinh không rõ loại trong 3 ngày nên khi nhập viện phải điều trị phác đồ với các loại kháng sinh mạnh nhất. Hiện sức khỏe trẻ đã ổn định nhưng vẫn có những ảnh hưởng nhất định đến hệ tiêu hóa, hô hấp… Gia đình cần chăm sóc kỹ lưỡng hơn trẻ mới phục hồi hoàn toàn.
Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng giải thích, bệnh sởi có đặc điểm lây truyền qua đường hô hấp nên khi trẻ mắc bệnh phải tuân thủ thời gian cách ly, tránh lây lan ra cộng đồng. Trẻ trong độ tuổi đi học phải tạm nghỉ học để tránh lây nhiễm chéo. Đặc biệt, biểu hiện ban đầu của bệnh rất mờ nhạt, dễ nhầm sang sốt thông thường. Do đó, phụ huynh khi thấy trẻ có biểu hiện sốt kèm viêm đường hô hấp trên, viêm kết mạc… cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị sớm. Gia đình không nên để đến khi trẻ phát ban (bắt đầu từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tay chân) mới đưa đến viện vì lúc này trẻ có thể đã lây bệnh cho nhiều bạn khác.
Chủ động phòng, chống bệnh sởi bùng phát thành dịch, ngành Y tế Cần Thơ triển khai nhiều chương trình phối hợp cùng các sở, ngành, đơn vị tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng. Tiêu biểu, là chương trình phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đến các trường học, đặc biệt là trường mầm non về dấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc sởi…
Ngành Y tế chỉ đạo Trạm y tế xã, phường nhắc nhở từng gia đình tiêm chủng đầy đủ; đồng thời chú trọng bổ sung vitamin nâng cao đề kháng cho trẻ. Đặc biệt, gia đình không tự ý mua thuốc điều trị khi trẻ bị sốt vì có thể làm mờ triệu chứng ban đầu, lỡ cơ hội phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Khi trẻ sốt, đặc biệt sốt cao trên 40 độ, phụ huynh cần nghĩ ngay đến khả năng trẻ bị sởi và đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Trẻ càng nhỏ càng cần tuân thủ quy tắc này vì trẻ sẽ rất dễ bị bội nhiễm viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa…, dẫn đến nguy cơ tử vong cao hơn./.
- Từ khóa:
- Phòng bệnh sởi
- tiêm vaccine
- Cần Thơ