Môi trường

Tiềm năng sản xuất nông nghiệp kết hợp điện năng lượng mặt trời

Cần Thơ

Mô hình nông nghiệp kết hợp điện mặt trời mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển cho kinh tế nông nghiệp tại Việt Nam.

Sáng 25/2, tại thành phố Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế Nông nghiệp (Viện AMI) phối hợp cùng Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện IAE) tổ chức hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu "Hiện trạng và tiềm năng phát triển điện mặt trời nông nghiệp tại Việt Nam".

Quang cảnh Hội thảo. 
Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, là một trong những chủ trương quan trọng của Việt Nam và đang được triển khai rộng rãi trong thời gian gần đây, góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh của đất nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển điện mặt trời sẽ cần sử dụng một diện tích đất rất lớn; trong đó phần lớn được thu hồi từ đất nông nghiệp, vừa ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương, vừa tăng chi phí và thời gian thực hiện đối với nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời được đánh giá là một giải pháp tiềm năng và đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Nhiều dự án sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời đã được phát triển tại Việt Nam (bao gồm cả các dự án điện mặt trời tập trung hoặc điện mặt trời áp mái) với các phương thức kết hợp bao gồm: điện mặt trời kết hợp cùng trồng trọt (trồng nấm, trồng đinh lăng,...); điện mặt trời kết hợp cùng chăn nuôi (nuôi gà, nuôi vịt, nuôi lợn...); điện mặt trời kết hợp cùng nuôi trồng thủy sản.

Đối với trồng trọt thì các mô hình điện mặt trời nông nghiệp thường được áp dụng với các cây trồng ưa bóng râm; trong đó có các loại nấm (nấm rơm, nấm mối...). Bà Châu Thị Nương - Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh (ấp Tân Bình, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) chia sẻ kinh nghiệm áp dụng với 3 ha diện tích trồng nấm mối được áp mái năng lượng mặt trời. Theo đó, hệ thống tấm pin mặt trời trên mái giúp giảm nhiệt độ của các khu vực trồng nấm từ 6-7 độ so với môi trường bên ngoài, giúp tăng năng suất nấm từ 30 - 40%, chi phí giảm khoảng 30% so với các mô hình không có tấm pin mặt trời. Ngoài áp mái điện mặt trời để trồng nấm còn sử dụng điện cho gia đình và bán điện.

Ngoài ra, mô hình kết hợp điện mặt trời nông nghiệp lắp đặt tại mái các trang trại chăn nuôi công nghiệp phổ biến khắp cả nước. Các tấm pin mặt trời trên mái giúp giảm nhiệt độ chuồng nuôi vào ban ngày (khoảng 1-3 độ C) và giữ được nhiệt độ ban đêm giúp vật nuôi sinh trưởng tốt hơn, lượng thức ăn tiêu thụ ít hơn 3-4%; lợi nhuận từ chăn nuôi cao hơn khoảng 2-5% so với các trang trại chăn nuôi công nghiệp không có tấm năng lượng mặt trời trên mái...

Từ những kết quả nghiên cứu các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời, ông Đỗ Huy Thiệp - Phó Viện trưởng Viện AMI nhận định, mô hình nông nghiệp kết hợp điện mặt trời mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển cho kinh tế nông nghiệp tại Việt Nam. Khi mô hình điện mặt trời nông nghiệp được triển khai rộng rãi sẽ góp phần đổi mới cho nông nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo. Từ đó, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát thải ròng bằng 0 (NetZero).

Ông Đỗ Huy Thiệp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế Nông nghiệp, chia sẻ tại Hội thảo. 
Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Ông Đỗ Huy Thiệp cũng nhận định, đối với giai đoạn sau năm 2030, các dự án điện mặt trời nông nghiệp được phép nối lưới với giá mua phù hợp. Diện tích cần để lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời cũng sẽ cần rất lớn. Do đó, bên cạnh các đối tượng như tại giai đoạn trước, các mô hình điện mặt trời lắp đặt trực tiếp trên các ruộng, mật độ lắp đặt thấp và không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp phía dưới sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn.

Theo ông Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp, bằng cách kết hợp sản xuất nông nghiệp và sản xuất điện mặt trời trên cùng một diện tích đất nông nghiệp, mô hình này có thể mang đến nhiều lợi ích về kinh tế (lợi nhuận gộp từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và từ hệ thống điện mặt trời, giảm chi phí cho năng lượng), về kỹ thuật (cung cấp nguồn điện ổn định và giá thành rẻ cho nông nghiệp, tăng năng suất vật nuôi và cây trồng ưa bóng).

Còn xét về yếu tố xã hội thì tạo thêm sinh kế, giảm xung đột giữa nhà đầu tư cho hệ thống điện mặt trời và nông dân; về môi trường thì giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thúc đẩy áp dụng các thực hành nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, việc mở rộng các mô hình này vẫn còn gặp nhiều thách thức để triển khai rộng rãi như: chi phí đầu tư lớn, chưa có quy định về việc sử dụng đất đa mục đích và thiếu bằng chứng khoa học về các loại cây trồng phù hợp.

Ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, thông tin về tiềm năng phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện năng lượng mặt trời. 
Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Để mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời được triển khai rộng rãi và duy trì bền vững cần xây dựng chương trình truyền thông, mô hình điểm, xây dựng danh mục sản phẩm nông nghiệp phù hợp dưới tấm pin năng lượng mặt trời và quy trình canh tác chuẩn; xây dựng chiến lược phát triển điện mặt trời nông nghiệp phù hợp cho từng giai đoạn, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý liên quan...

Giới thiệu về các sản phẩm nấm được trồng dưới mái năng lượng mặt trời. 
Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Theo ông Nguyễn Thế Hinh, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để thực hiện hiệu quả điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp, bước đầu tiên cần giải quyết là vấn đề kỹ thuật, thiết kế được các mô hình nông nghiệp kết hợp điện năng lượng mặt trời và phải phù hợp với từng địa phương cụ thể./.

Trần Thị Thu Hiền

Tin liên quan

Xem thêm