Tiền Giang: Nâng tầm giá trị di tích lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch bền vững
Tiền Giang cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa; sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo, tạo sức hấp dẫn gắn với các tour, tuyến du lịch hợp lý; ứng dụng công nghệ số và truyền thông đa kênh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch.
Chiều 29/4, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo tham vấn Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch. Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia du lịch… đến từ các Viện, trường các tỉnh thành phía Nam.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, là địa phương nằm trong khu vực sông Tiền, cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang hiện có 185 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt và 17 di tích quốc gia gắn liền tên tuổi các anh hùng dân tộc, các sự kiện văn hóa lịch sử đang được đưa vào khai thác, phát triển du lịch gắn với giáo dục truyền thống cách mạng địa phương. Những địa điểm này đang trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng du lịch của tỉnh qua từng năm.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến vào bốn vấn đề trọng tâm: Phát triển các tour du lịch đường sông, du lịch xanh; phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với từng di tích, từng đặc thù địa phương; phát triển đội ngũ nguồn nhân lực để phát huy hiệu quả, góp phần phát triển giá trị di tích lịch sử văn hóa; đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, Tiến sỹ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Từ góc độ kinh tế bảo tồn, việc tái định vị và tái cấu trúc sản phẩm du lịch cần đặt trên nền bốn trụ cột: chính sách - kinh tế - môi trường - văn hóa xã hội.
Một chiến lược bền vững không thể chỉ dựa vào tài nguyên có sẵn mà cần kiến tạo giá trị mới từ chính những thực hành truyền thống và tính bản địa. Ông góp ý, Tiền Giang - với vị trí trung tâm, lịch sử giao thương lâu đời, đa dạng sinh thái ven sông và nền văn hóa phong phú - hoàn toàn có thể trở thành dòng chảy năng lượng cho một Mê Công thịnh vượng và bản sắc nếu có một thiết kế chính sách đa tầng, tích hợp và bao trùm để tạo nên điểm nhấn xanh cho du lịch vùng hạ lưu Mê Công.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh ý kiến, nhằm phát huy và nâng tầm di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch bền vững, Tiền Giang cần hướng tới mục tiêu đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa; sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo, tạo sức hấp dẫn gắn với các tour, tuyến du lịch hợp lý; ứng dụng công nghệ số và truyền thông đa kênh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch.
Các đơn vị cần tổ chức bồi dưỡng năng lực cho nghệ nhân, cộng đồng địa phương về kỹ năng giao tiếp, phát triển đội ngũ truyền thông về du lịch, phát triển nguồn nhân lực văn hóa - du lịch sáng tạo cho cộng đồng; am hiểu thế mạnh vốn có cần khai thác của các di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch…
Tiến sỹ Văn hóa học Mai Mỹ Duyên, giảng viên Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản văn hóa – lịch sử nói chung không chỉ là trách nhiệm đối với quá khứ mà còn là đầu tư cho tương lai, mang lại lợi ích toàn diện về văn hóa, kinh tế và xã hội, góp phần xây dựng một đất nước giàu mạnh, văn minh và đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là một vấn đề lớn, một quá trình lâu dài đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng, các cấp chính quyền và sự tâm huyết của những người làm công tác văn hóa, du lịch. Với những nỗ lực đồng bộ và sáng tạo, Tiền Giang hoàn toàn có thể giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa – lịch sử, đặc biệt là văn hóa phi vật thể đặc trưng, độc đáo của mình, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của đất nước, đặc biệt trên lĩnh vực du lịch.
Theo Ban Tổ chức, các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia du lịch trong hội thảo sẽ được địa phương đúc kết để phát huy hơn nữa giá trị các di tích lịch sử - văn hóa nhằm đưa ngành du lịch Tiền Giang lên một tầm cao mới trong tương lai./.