Với 32 km bờ biển cùng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy trải khắp trong tỉnh, Tiền Giang có lợi thế về phát triển du lịch sinh thái biển...
Nằm bên Biển Đông, với 32 km bờ biển cùng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy trải khắp trong tỉnh, Tiền Giang có lợi thế về phát triển du lịch sinh thái biển kết hợp với các di tích văn hóa lịch sử.
Năm 2024, Tiền Giang thu hút 1,64 triệu lượt du khách, tăng 18,1%; khách quốc tế đạt 504.000 lượt, tăng 19,8% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ ăn uống, lữ hành và tiêu dùng khác đạt 9.151 tỉ đồng, tăng 22,6%.
Tiền Giang hình thành 3 vùng sinh thái tự nhiên gồm, vùng du lịch hệ sinh thái nước ngọt, vùng du lịch hệ sinh thái ngập mặn và vùng du lịch hệ sinh thái nước ngập phèn, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Mỗi vùng sinh thái mang đặc điểm riêng, thu hút khách, tốc độ bình quân trên 15% và là một trong những địa phương có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại vùng du lịch hệ sinh thái ngập mặn ở phía Đông Tiền Giang, biển Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) đang được quan tâm, đầu tư khai thác để trở thành điểm du lịch sinh thái đầy triển vọng với sản phẩm hấp dẫn du khách, góp phần giúp các huyện ven biển phát triển bền vững trong tương lai.
Khu Du lịch biển Tân Thành được quy hoạch với 80,36ha, UBND tỉnh giao đất cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vạn Bình An (nay là Vạn Thành Công) và Công ty Cổ phần du lịch Tiền Giang (Hương Biển) đầu tư một số hạng mục kinh doanh ăn, uống, giải khát phục vụ khách du lịch. Bãi biển Tân Thành hoang sơ, quyến rũ du khách, là điểm đến hấp dẫn khi tới Tiền Giang. Sau khi ngắm bình minh, tắm biển, du khách có thể tới Khu du lịch Hàng Dương (ấp Cây Bàng, xã Tân Thành) thưởng thức món nghêu luộc sả đậm đà hương vị biển…
Chị Nguyễn Thị Huệ, ở thành phố Gò Công thường đến bãi biển Tân Thành vào ngày cuối tuần chia sẻ, gia đình chị thường đến đây để có không gian chơi đùa với thiên nhiên, góp phần giúp các cháu hiểu thêm về biển quê hương.
Sau khi tắm biển, ăn hải sản, du khách còn có thể đi thăm khu vực đê biển Gò Công dài 21km (từ xã Tân Thành đến xã Vàm Láng) uốn lượn theo bờ biển, “mãn nhãn” với hệ thống rừng ngập mặn ngoài bờ đê để bảo vệ đê khỏi bị nước biển xâm thực.
Tại huyện Gò Công Đông còn có 3 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận gồm: Điểm du lịch Vườn táo Sáu Hồi, ấp Kinh Ngang, xã Tân Thành; điểm du lịch Trương Gia Phủ, ấp Hiệp Trị, xã Bình Nghị; điểm du lịch sinh thái Vườn Xanh, ấp Xóm Rẫy, xã Kiểng Phước và các địa điểm phục vụ phát triển du lịch như Tuyến đê biển Tân Thành - Tân Điền - Kiểng Phước; Khu sinh thái Gò Công Phi Long, xã Phước Trung; vườn cây ăn trái (mãng cầu sơ ri, thanh long, nhãn xuồng…), nghề truyền thống (khảm ốc xà cừ, chế biến cá khô, các loại mắm từ thủy sản…), hàng năm thu hút trên 150.000 lượt khách đến tham quan.
Ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang cho biết, ngành hình thành, tổ chức các tour du lịch đến biển Tân Thành gắn với hoạt động tham quan di tích văn hóa lịch sử ở vùng đất “địa linh nhân kiệt” Gò Công. Du khách có thể tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trương Định khi tham quan khu di tích Lăng mộ của ông ở thành phố Gò Công cùng đền thờ tại xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông) là nơi ông tuẫn tiết…
Ở thành phố Gò Công còn lưu giữ hàng trăm ngôi nhà cổ trên 100 tuổi với kiến trúc phối hợp Đông-Tây độc đáo như, nhà đốc phủ Nguyễn Văn Hải được xây dựng năm 1860, đình Trung được xây cuối thế kỷ XIX… Đặc biệt, du khách còn có cơ hội tìm hiểu tục thờ cúng cá Ông (cá Voi) cũng như chiêm ngưỡng bộ hài cốt cá Ông ở các đình làng xã Kiểng Phước, xã Tân Thành, thị trấn Vàm Láng… tại huyện Gò Công Đông với lễ hội Nghinh Ông là nét văn hóa đặc sắc độc đáo của người dân vùng biển.
Thời gian tới, Tiền Giang tiếp tục tập trung khai thác tiềm năng của biển Tân Thành cùng hệ sinh thái ngập mặn ven biển, truyền thống lịch sử, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái nông lâm nghiệp… để tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, hấp dẫn.
Địa phương chú trọng phát triển “ngành công nghiệp không khói” qua việc mời gọi đầu tư để khai thác, phát triển tiềm năng du lịch sinh thái biển theo hướng bền vững, đảm bảo đủ các yếu tố “xanh, sạch, an toàn, thân thiện với môi trường”.
Hiện, Tiền Giang đã có gần 20 đơn vị kinh doanh lữ hành hoạt động cùng trên 200 thuyền máy vận chuyển khách du lịch, gần 100 nhà hàng, khách sạn không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu du khách./.